Dân Việt

Gian lận tuổi – Căn bệnh nói dối trong thể thao

Huy Quang 02/06/2017 14:05 GMT+7
Hơn 10 năm trước, thể thao Việt Nam đã trải qua đại dịch gian lận tuổi. Bắt đầu từ những trường hợp phát hiện ở các giải bóng đá trẻ. Có những trường hợp ăn gian tới 5-6 tuổi. Năm 2003, đội U14 Việt Nam đoạt HCĐ giải U14 Đông Nam Á nhưng sau đó bị phát hiện tới 2 cầu thủ gian tuổi khiến VFF phải xin lỗi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á và Châu Á.

Nghệ An thời điểm đó được cho là nơi gian lận tuổi nhiều nhất và có hệ thống, với sự giúp đỡ đắc lực từ địa phương trong việc làm lại hồ sơ cho các cầu thủ nhỏ tuổi.

Thế nhưng, việc không dừng lại ở bóng đá và để khuyến khích các địa phương “đầu thú”, khai lại tên tuổi thật, thì Thanh tra Ủy ban TDTT mới “té ngửa” là có tới gần 250 trường hợp đã gian tuổi, trong đó, có những ngôi sao thành danh. Riêng bơi lội chiếm 38% danh sách. Trong khi đó, điền kinh lại nổi bật với “thành tích” phù phép cho các VĐV, chẳng hạn như Đoàn Nữ Trúc Vân bị khai gian tới… 4 tuổi (sinh năm 1978 khai 1982), Phạm Đình Khánh Đoan (sinh 1980 khai 1982), Nguyễn Thị Tĩnh (sinh năm 1981 khai 1983)… Riêng bóng chuyền, điểm sơ qua cũng có rất nhiều trường hợp gian lận tuổi, nhưng dân bóng chuyền vốn lành tính nên mọi chuyện thường dễ dàng được cho qua.

Tại sao lại phải gian tuổi? Câu trả lời đơn giản nhất vẫn là căn bệnh thành tích.

img

Hồng Ngọc (số 6) với nghi án gian lận tuổi từ 2 năm nay.

Trường hợp chủ công Nguyễn Thị Hồng Ngọc của đội bóng Thanh Hóa đang thi đấu tại giải trẻ toàn quốc là một điển hình. Cuối năm 2015, đội tuyển trẻ Việt Nam được tập trung trong đó Hồng Ngọc với thông số khá lý tưởng (1999, 1m77). Sau một thời gian tập trung, bất ngờ Tổng cục TDTT quyết định cho tuyển bóng chuyền trẻ đi tập huấn tại Thái Lan. Lúc này đây, do phải làm hộ chiếu cho các VĐV nên BHL yêu cầu các VĐV nộp chứng minh thư nhân dân. Thế nhưng, trong số 16 VĐV chỉ duy nhất chủ công người Thanh Hóa không xuất trình được CMT và tự động xin ở nhà. Vậy là, cả BHL và đội tuyển mới tá hỏa phát hiện Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã gian lận tuổi.

Câu chuyện của Hồng Ngọc chỉ là một trong số rất nhiều VĐV trẻ nhưng thực tế không còn trẻ của bóng chuyền Việt Nam hiện nay. Nhiều VĐV thi đấu giải trẻ cả 5-7 năm, nhưng nghịch lý ở chỗ là mỗi năm tuổi ngày một giảm.

Sau những vụ gian lận tuổi động trời của thể thao Việt Nam, để tránh việc gian lận tuổi và tráo người trong các giải thi đấu, Ủy ban TDTT đã ra yêu cầu từ sau ngày 30.11.2004 tất cả các VĐV khi tham dự các giải đấu phải xuất trình thẻ, chứng minh thư hoặc giấy khai sinh bản chính. Hơn thế nữa Nghị định 141/2004/NĐ -CP ngày 1-7-2004 đã ban hành những quyết định về xử phạt đối với những việc gian lận trong thể thao. Thế nhưng, qua Giải Vô địch trẻ Toàn quốc 2017 đang diễn ra thì không phải VĐV nào cũng đầy đủ thẻ, chứng minh thư và giấy khai sinh bản chính như yêu cầu kể trên. Một số đội bóng không tiện kể tên đã không có giấy tờ hợp lệ cho nguyên cả một đội, thế rồi HLV đội bóng đó không hiểu bằng cách nào, đã cam kết để rồi mọi chuyện được cho qua. Điều đó có nghĩa rằng, ai đảm bảo cho những cam kết của HLV là sự thật, và nếu có gian lận tuổi xảy ra thì sẽ là một điều bất công với nhiều VĐV đội bóng khác đang nỗ lực thi đấu, cạnh tranh với đúng tuổi thật của mình.

Thực tế, trẻ em không có lỗi. Câu chuyện gian lận tuổi ở đây nằm ở lòng tham của các HLV, của lãnh đạo các đội, một khi người lớn vì áp lực thành tích và mờ mắt với tấm huy chương, họ sẽ tìm đủ mọi cách để gian lận, dễ nhất là làm giả giấy tờ.