Dân Việt

Bài học đắng từ chôm chôm

30/11/2011 19:17 GMT+7
(Dân Việt) - Tình trạng lúc quá tải, lúc khan hiếm chôm chôm là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bấp bênh giá cả của loại trái cây này.

ĐBSCL là vùng trồng chôm chôm lâu đời với nhiều vườn đạt trên 30 năm tuổi vẫn còn cho trái sung sức, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 102 nghìn tấn chôm chôm, đem lại nguồn thu cho khoảng 16.200 hộ và nhiều lao động tham gia trong chuỗi cung ứng chôm chôm.

Năm nay thị trường chôm chôm biến động bất thường. Nếu như năm ngoái vào tháng 9 giá chôm chôm Java đạt phổ biến 8.500 - 9.500 đồng/kg thì năm nay chỉ bằng phân nửa so cùng kỳ, cá biệt có ngày giá tại vườn chỉ đạt 2.500 đồng/kg làm nhiều nhà vườn lỗ nặng, phải bán đổ bán tháo.

img
Chôm chôm sản xuất theo GAP có giá như chôm chôm thường.

Sau đó đến trung tuần tháng 10 giá chôm chôm bắt đầu tăng, lên mức 19.000 – 20.000 đồng/kg. Lúc này nhiều nhà vườn lại tiếc ngơ tiếc ngẩn vì không còn chôm chôm để bán. Câu chuyện giá chôm chôm biến động “như cơm bữa” khiến nhà vườn không khỏi lo lắng, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý khi đầu tư cho loại trái cây đặc sản này.

ĐBSCL có điều kiện trội hơn nhiều vùng kinh tế khác trong việc chủ động điều chỉnh mùa vụ thu hoạch theo ý muốn nhờ có nguồn nước dồi dào, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây chôm chôm sinh trưởng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ra hoa trái vụ.

Gần như quanh năm ở ĐBSCL tháng nào cũng có chôm chôm cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là việc tổ chức sản xuất và điều tiết sản lượng cung ứng cho thị trường một cách hợp lý theo hướng rải vụ vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tình trạng lúc quá tải, lúc khan hiếm chôm chôm là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bấp bênh giá cả của loại trái cây này.

Thông thường, chôm chôm làm theo vụ nghịch chi phí luôn cao hơn so với vụ thuận mà giá bán ra có lúc còn quá thấp, không đủ bù đắp chi phí, khiến nông dân không mạnh dạn đầu tư sản xuất trái vụ. Mặt khác khi đã đầu tư họ lại không biết có bao nhiêu nhà vườn khác cho chôm chôm thu hoạch trong cùng thời gian với mình. Họ cũng không dự đoán được nhu cầu, giá cả thị trường.

Đại bộ phận nhà vườn trồng chôm chôm thường dựa vào giá vụ trước để điều chỉnh thời gian thu hoạch cho vụ sau. Như thấy chôm chôm tháng 9 năm trước giá cao, nhiều vườn “canh me” cho chôm chôm chín vào tháng 9 năm này, làm sản lượng tăng vọt, khiến giá chôm chôm rớt mạnh.

Tình trạng mạnh ai người ấy làm, thiếu liên kết trong khâu tổ chức sản xuất và phân bố sản lượng chôm chôm cung ứng cho thị trường một cách hợp lý đã làm tăng rủi ro cho nhà vườn trồng cây ăn trái nói chung và chôm chôm nói riêng.

Ngay cả các tổ hợp tác/HTX trồng theo VietGAP/GlobalGAP, nếu không có phân bố sản lượng thu hoạch một cách hợp lý theo yêu cầu của các cơ sở/doanh nghiệp thu mua thì chuyện rớt giá, biến động giá mạnh cũng là chuyện dễ hiểu.

(còn tiếp)

(Viện Cây ăn quả Miền Nam)