Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh: Lê Phước Chín)
Ngày 3.6, tiến sĩ sinh học Đặng Trung Phước - Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Canada-Việt Nam - đã có bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
Đang sinh sống và làm việc ở Ottawwa (Canada), vị tiến sĩ sinh học bày tỏ với Thủ tướng mong muốn đồng hành cùng đất nước và xin được chỉ ra vài nhận định về bán đảo Sơn Trà.
Trong bức thư gửi Thủ tướng, tiến sĩ Phước cho rằng, voọc chà vá chân nâu là động vật rất duy biệt, đẹp nhất trong các loài linh trưởng, có một không hai trên toàn thế giới nên tạo điểm đặc biệt cho du lịch Sơn Trà. Bên cạnh đó, nguy cơ tuyệt chủng của loài này mà cả thế giới đang quan tâm cũng tạo thành điểm nóng du lịch.
Ngoài ra, vị trí khá biệt lập của bán đảo Sơn Trà tạo sự hấp dẫn về du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hình thức này chỉ phục vụ cho một số ít người, không thể trở thành điểm nóng về du lịch đại chúng.
Với những điểm này, có thể thấy bán đảo Sơn Trà là bản sắc của cả TP.Đà Nẵng. Nếu không có bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng chỉ là thành phố du lịch ven biển bình thường, tiến sĩ Phước nêu ra trong bức thư.
Với những luận cứ như trên, vị Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới còn cho rằng, phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà không nhất thiết phải xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Nhất là diện tích rừng sinh thái của nơi này rất nhỏ hẹp, mà còn cách biệt với hệ sinh thái trong đất liền, rất mong manh. Cần phải có giải pháp bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
Để vừa bảo tồn vừa gắn với phát triển kinh tế, tiến sĩ Đặng Trung Phước nêu ra phương án, nên tập trung vào mô hình du lịch tham quan có tổ chức. Đà Nẵng nên sử dụng hình ảnh voọc chà vá chân nâu đang có nguy cơ tuyệt chủng làm điểm nhấn sẽ thu hút được nhiều người đến thăm và tham quan. Khi hình ảnh voọc chà vá chân nâu được giải nguy sẽ trở thành loài động vật biểu tượng của Đà Nẵng và cả Việt Nam.
Một góc bán đảo Sơn Trà đã san ủi, xây dựng khu nghỉ dưỡng. (Ảnh: Đình Thiên)
Dùng hình ảnh loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng là lối quảng bá du lịch quốc gia một cách tuyệt mỹ, đồng thời quảng bá bản sắc nhân văn của đất nước. Ví dụ như Trung Quốc đã xây dựng thành công hình ảnh loài gấu trúc Panda từ chỗ có nguy cơ tuyệt chủng trở thành biểu tượng của đất nước họ và đóng góp rất lớn vào ngành kinh tế du lịch.
Trong bức thư, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Canada-Việt Nam còn cho rằng, dịch vụ du lịch tham quan sẽ tạo lợi nhuận gấp nhiều lần hơn so với du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời sẽ đóng góp vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho người dân. Điều quan trọng hơn, bán đảo Sơn Trà sẽ được bảo tồn nguyên vẹn.