Nhưng Hưng đã cùng vợ ôm tiền tỷ lừa đảo được... bỏ trốn.
Theo tường trình của chị Phan Thị H (TP.Vinh), chị quen biết Nguyễn Trọng Hưng (SN 1976), quê quán xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, là cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An đã 3 năm nay. Thỉnh thoảng Hưng có vay tiền chị nhưng vẫn trả đúng hẹn.
Giấy viết tay ghi nợ của Hưng, thứ duy nhất các chủ nợ đang giữ. |
Nhiều lần như thế, chị H xem Hưng như chỗ thân tình và nhận làm chị em kết nghĩa. Thấy Hưng ngỏ lời mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, chị đã không ngần ngại cho Hưng vay gần 30 cây vàng và 7 tỷ đồng tiền mặt.
Hơn 2 tháng không thấy người em kết nghĩa đến chơi, chị gọi điện cũng không được bèn đến chung cư Tân Phúc - nơi có căn hộ của Nguyễn Trọng Hưng, thì tá hoả khi thấy cửa khoá im ỉm, hàng chục người dở khóc, dở mếu cùng cảnh ngộ như chị đang đứng trước cửa chờ kẻ lừa đảo trong vô vọng. Xót của, chị H đã ngất xỉu tại chỗ.
Với chiêu bài làm quen như chị H, Hưng đã lừa được của anh Trần Thế C (37 tuổi, làm nghề kinh doanh ở phường Hưng Phúc, TP.Vinh với số tiền là 1 tỷ 200 triệu đồng.
Khoảng đầu năm 2011, Hưng đặt vấn đề vay anh C 600 triệu đồng để đáo hạn nợ ngân hàng. Vốn quen từ trước nên vợ chồng anh C không ngần ngại giúp bạn. Sau đó, Hưng lại viện lý do gặp khó khăn nên tiếp tục vay anh C thêm 420 triệu đồng. Tổng cộng Hưng đã vay của anh C là 1 tỷ 200 triệu đồng.
Hàng tháng, Hưng vẫn thanh toán lãi cho anh C. Tuy nhiên, đến ngày 22.8, anh C không thấy Hưng đến thanh toán lãi định kỳ nên đã tìm đến để gặp Hưng. Vậy nhưng, chẳng thể tìm thấy vợ chồng Hưng ở đâu.
Anh C mắt đỏ hoe tâm sự: "Tui quen biết với Hưng từ hồi hắn còn công tác tại Phòng Kinh tế đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An. Vợ chồng tui coi hắn như em ruột. Vậy mà hắn lừa vợ chồng tui ác quá. Số tiền đó là vợ chồng tui tích cóp mấy chục năm, giờ mất hết, biết làm răng đây hả trời".
Trong số hàng chục nạn nhân sa vào bẫy lừa của Hưng, có những trường hợp rất đáng thương, như trường hợp của ông Nguyễn Đình H (60 tuổi), làm bảo vệ. Cả đời ki cóp được 100 triệu đồng, hai vợ chồng bàn nhau gửi tiết kiệm để an dưỡng tuổi già và số tiền này đem gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An.
Biết được điều này, Hưng đã tỉ tê ông H rút ra mang cho gã vay để hưởng lãi suất cao hơn, hai ông bà đã nghe theo và mang toàn bộ số tiền trên cho y vay. Ngoài những trường hợp nêu trên, theo danh sách mà chúng tôi nắm được thì còn có hơn 30 nạn nhân khác đã sập bẫy của siêu lừa Nguyễn Trọng Hưng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hữu Phùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn tại Nghệ An xác nhận, Nguyễn Trọng Hưng từng công tác tại cơ quan. Thế nhưng, từ ngày 6.9.2011, Hưng đã có đơn xin nghỉ việc, chi nhánh cũng đã ra quyết định đồng ý.
Theo ông Phùng, Hưng công tác tại ngân hàng này từ năm 2007. Tuy nhiên công việc của Hưng là ở Phòng Hành chính chứ không liên quan đến công tác huy động vốn từ phía khách hàng. "Từ khi cơ quan quyết định cho Hưng nghỉ việc đến nay, y đi đâu, làm gì, phía ngân hàng không nắm được" - ông Phùng nói.
Tiến Dũng