Ông Lê Văn Phúc – Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)
Không có BHYT, giá tăng 2-4 lần
Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế bắt đầu từ tháng 6 với người không có BHYT?
- Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV). Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.
Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong thông tư này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng số 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ có thể lên tới cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao!
Quyền lợi của người tham gia BHYT đang được mở rộng với nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền (Trong ảnh: Xạ trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Diệu Linh
Việc điều chỉnh viện phí đáng nhẽ phải làm lâu rồi. Hiện y tế Việt Nam đang thực hiện “bao cấp ngược”, chi thiếu lại kiến nghị, đề xuất để được Nhà nước “bù” thêm, trong khi đáng nhẽ phải chủ động “thu” đủ để “chi” cho hợp lý. Ngoài ra, viện phí thấp nhưng lại yêu cầu phải tăng chất lượng dịch vụ, trong khi đáng nhẽ phải “có thực mới vực được chất lượng”, phải được thu viện phí ở mức phù hợp mới có thể có tiền để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay là xoá bỏ bao cấp giá, chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”. Thứ trưởng Bộ Y tế |
Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá viện phí là đang “o ép” người dân vốn đã có đời sống khó khăn, ông nhận định sao về điều này?
- Việc tăng giá này đã trễ hơn so với lộ trình điều chỉnh giá viện phí đề ra trong Luật BHYT. Hiện nay, người dân vẫn đang được Nhà nước bao cấp quá nhiều trong giá viện phí khi giá viện phí mới chỉ tính 3 trong số 7 yếu tố cấu thành viện phí. Cụ thể là: Chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ khám chữa bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Đó là chưa kể đến giá dịch vụ y tế được quy định trong Thông tư 03 được ban hành từ năm 2006 và Thông tư 04 ban hành năm 2012 đã quá lạc hậu so với hiện nay.
Ngoài ra, yếu tố cấu thành viện phí có chi phí khá lớn và quan trọng là lương của nhân viên y tế lại chưa được đưa vào giá. Do đó, đợt điều chỉnh này sẽ đưa thêm tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế vào giá dịch vụ. Mức giá này người có BHYT đã thực hiện từ năm 2016. Điều này là tạo sự công bằng giữa hai đối tượng khi đi khám chữa bệnh.
Khi viện phí tiến tới ngang bằng giá thị trường, các cơ sở y tế cũng sẽ không nhận được sự bao cấp của Nhà nước, phải tự vận động, tự trả lương lẫn nhau. Lúc đó, nếu BV nào không đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, “lấy lòng” bệnh nhân thì sẽ không có kinh phí hoạt động, không có tiền nuôi nhau.
Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các BV.
Hiện nay, BHYT đã chi trả từ 100%, 95% và 80% viện phí cho người bệnh tham gia BHYT. Như vậy, nếu giá viện phí tăng 20-30% thì người bệnh vẫn được BHYT chi trả phần lớn, sự tác động cũng không nhiều. Giá viện phí tính đúng, tính đủ cũng giúp người bệnh không phải mua thêm vật tư y tế, thuốc điều trị như khi giá viện phí quá thấp.
Cách tốt nhất để người bệnh không bị tác động khi giá viện phí tăng, bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình chính là tham gia BHYT.
Sẽ đề ra từng biện pháp cụ thể
Theo ông tăng giá có phải là một cách hữu hiệu để “ép” người dân tham gia BHYT hay không?
- Dù Luật BHYT quy định, người dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Nhưng cho đến nay, Nhà nước, các cơ quan ban ngành đều chưa có chế tài gì để phạt người không tham gia BHYT. Tất nhiên, việc tăng giá chắc chắn có tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT. Nhưng đây không phải là biện pháp quan trọng nhất để thúc đẩy người dân tham gia BHYT.
Cách tốt nhất vẫn là cung cấp cho người dân dịch vụ y tế tốt hơn, gia tăng danh mục kỹ thuật và thuốc mà người dân được hưởng, thay đổi thái độ phục vụ, giảm chi tiền túi của người dân… Khi thấy được lợi ích của “cứu mạng”, “cứu gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó” thì người dân sẽ vui vẻ tham gia BHYT.
Xin ông cho biết còn những đối tượng nào chưa tham gia BHYT và giải pháp để thúc đẩy người dân tham gia BHYT là gì?
- Tính đến cuối tháng 4.2017, cả nước có 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số. Hiện có gần 18% dân số (hơn 17 triệu người) chưa tham gia BHYT. Các đối tượng này phần lớn là những đối tượng tham gia theo hộ gia đình, sau đó là người cận nghèo, lao động tự do, lao động làng nghề, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình, học sinh – sinh viên và một số lao động ở các doanh nghiệp nhỏ, chưa được chủ lao động đóng BHYT.
Vì thế, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đề ra từng biện pháp cụ thể để thúc đẩy các đối tượng này tham gia BHYT. Cụ thể, với tăng cường kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp còn trốn đóng BHYT, BHXH cho người lao động để yêu cầu họ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện nhóm cận nghèo đang được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng và 30% còn lại nhiều tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ từ 10%, 20% đến đủ cả 30%. Chỉ còn 10 tỉnh là chưa hỗ trợ chút nào. Do đó, để tăng cường cho người cận nghèo tham gia BHYT, BHXH cũng yêu cầu tỉnh hỗ trợ nhóm đối tượng này. Còn đối với nhóm học sinh-sinh viên và nông, ngư, diêm dân có mức sống trung bình hiện đang được hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT thì thời gian tới BHXH cũng yêu cầu Chính phủ nâng mức hỗ trợ lên 50% mệnh giá thẻ BHYT.
Đối với nhóm hộ gia đình, BHXH cũng sẽ tăng cường tuyên truyền. Nhiều người trong số họ có kinh tế không có khăn, tuy nhiên vẫn chủ quan với sức khoẻ và trước đây viện phí thấp nên họ vẫn có khả năng chi trả. Nhưng nếu viện phí tăng cao, họ không tham gia BHYT mà ốm đau, bệnh trọng, cả gia đình sẽ khốn đốn về kinh tế.
Xin cảm ơn ông!