Dân Việt

Gió phơn- "thủ phạm" gây đợt nắng nóng kỷ lục 46 năm qua là gì?

Hà Linh (tổng hợp) 05/06/2017 04:35 GMT+7
Liên tiếp trong những ngày gần đây, trên toàn miền Bắc đã xảy ra hiện tượng nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 37-40 độ C, nhiều nơi lên đến 41-42 độ C. Theo lý giải của các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân gây lên đợt thời tiết nắng nóng này là do hiệu ứng gió phơn, vậy hiệu ứng gió phơn là gì?.

TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Thời tiết đang vào đợt nắng nóng gay gắt nhất từ tháng 4 đến nay.  Nắng nóng trên diện rộng khắp Bắc bộ và ven biển Trung bộ, đợt nóng này ngoài ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây từ lục địa Ấn Miến còn có cả tác động của gió phơn”.

Phân tích thêm về nguyên nhân xuất hiện đợt nắng này, các chuyên gia thời tiết cho rằng, đợt nắng nóng lần này là do áp thấp phía tây phát triển cùng với gió tây nam mạnh ở rìa phía nam của vùng áp thấp này trải dài trên khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta.

Gió tây nam mạnh lại kết hợp với địa hình núi của hai dãy núi Hoàng Liên Sơn ở Bắc Bộ và Trường Sơn ở Trung Bộ tạo ra mây và nhiệt độ không quá cao ở sườn phía Tây (sườn đón gió) và hiệu ứng phơn gây ra thời tiết ít mây, khô hanh, nắng nóng ở sườn phía Đông (sườn khuất gió) của hai dãy núi nêu trên. Đây là loại hình thời tiết rất phổ biến ở Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta trong các tháng mùa hè.

img

Nắng nóng 41 độ C nhưng nông dân Ninh Bình vẫn phải ra đồng gặt lúa. Ảnh: Trần Quang

Còn theo lý giải của các chuyên gia khí tượng về hiện tượng gió phơn: Trong ngành khí tượng, có hiện tượng gió vượt qua đèo/núi được gọi là gió "phơn" (foehn). Gió ẩm, sau khi vượt qua một chướng ngại vật cao (đèo/núi) bị biến đổi tính chất, trở nên khô nóng hơn, gọi là gió “phơn”.

Từ chân núi, gió thổi lên đèo/núi, không khí sẽ bị lạnh dần đi (cứ cao lên 100m thì nhiệt độ không khí giảm đi khoảng 0,6 độ C) và ngưng kết, có thể tạo thành mưa. Trong quá trình ngưng kết, khối khí sẽ thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Gió sau khi vượt qua đỉnh đèo/núi, không khí sẽ bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, qua phía sau chân núi, gió sẽ khô, nóng hơn do quá trình ngưng kết phía trước núi đã thu thêm nhiệt và quá trình không khí xuống núi bị nén đoạn nhiệt. Mặt khác, độ ẩm xuống rất thấp do đã trút ẩm (gây mưa) phía trước đèo/núi.

Đèo/núi càng cao thì chênh lệch nhiệt độ/độ ẩm của hai bên càng lớn. Hiệu ứng chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm của 2 bên đèo/núi được gọi là hiệu ứng phơn.

Hậu quả của hiệu ứng phơn là gió khô nóng.

Người ta thường đặt tên gió khô nóng theo tên địa phương, nơi xảy ra gió khô nóng.

Trên thế giới, hiện tượng này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Ở Mỹ và Canada gọi là Chinook, Diablo hay gió Santa Ana. Còn ở Tây Ban Nha gọi là gió Bilbao. Ở Việt Nam gọi là gió Lào.

Ở Việt Nam, gió tây khô nóng thường được gọi là gió Lào. Tên gọi này là do gió ở từ phía bên Lào, Campuchia (phía tây) thổi sang Việt Nam. Gió Lào ảnh hưởng một vùng rộng lớn về mùa hè từ Nghệ An đến cực Nam Trung Bộ.

Nguồn gốc của gió Lào:

 Chính là gió mùa mùa hè (gió Tây Nam), nơi khởi phát là vùng Vịnh Ben-gan (ở Nam Á, phía đông bắc Ấn Độ Dương) thổi về phía đông. Sau khi gió thổi qua lãnh thổ Campuchia và Lào, gió gặp dãy Trường Sơn, không khí bị đẩy lên cao và bị lạnh nên hầu hết lượng ẩm đều bị ngưng kết lại, tạo thành mưa, trút xuống bên sườn phía Tây của dãy núi. Khi gió thổi sang bên sườn núi phía đông, thuộc lãnh thổ của Việt Nam thì gió trở nên khô và nóng, thường gọi là “gió Lào”.

Nhưng động lực chủ yếu sinh ra gió Lào là vùng áp thấp thường hình thành ở miền Hoa Nam trong mùa hè, có khi trung tâm áp thấp nằm ngay ở đồng bằng Bắc Bộ -Việt Nam. Vùng áp thấp có tác dụng “hút gió” vượt qua dãy Trường Sơn. Vùng áp thấp này càng sâu thì gió Lào càng thổi mạnh, có trường hợp tỏa rộng ra đến Bắc Bộ.

Tác hại của gió khô nóng:

Gió khô nóng là loại thời tiết nguy hiểm. Gió khô nóng gây bất lợi cho ngành nông nghiệp; sông, suối, ao, hồ, đồng ruông khô cạn, cây cối héo hon; con người và động vật ngột ngạt, khó chịu; dễ phát sinh hỏa hoạn.

Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 1

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương: Trong ngày hôm qua (4.6), nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 37-39 độ, một số nơi trên 40 độ như: Lào Cai 40.1 độ,  Hòa Bình 40.4 độ, Việt Trì 40.0 độ, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 40.5 độ, Sơn Tây 40.2 độ, Láng 40.3 độ, Hà Đông (Hà Nội) 41.0 độ, Chí Linh (Hải Dương) 40.0 độ,…

Dự ngày hôm nay 5.6: Do tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn còn hoạt động mạnh nên nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1Từ ngày 6.6 nắng nóng sẽ kết thúc ở Bắc Bộ và dịu dần ở các tỉnh miền Trung.  

Tại khu vực Hà Nội: Ngày 5.6, trời tiếp tục nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 38-40 độ; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 9-20 giờ; nhiệt độ thấp nhất trong ngày từ 30-33 độ. 

Cảnh báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ gần sáng và ngày 6.6 đến ngày 7.6 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi; Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ chiều và tối ngày 6.6 có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.