Dân Việt

Vẫn mãi tuôn những cơn mưa ngoài biển

Những năm chiến tranh chống Mỹ, Lưu Quang Vũ ở Hà Nội thường xuống Hải Phòng chơi với các bạn. Chúng tôi có biết bao kỷ niệm. Ngày 29.8.1988, Vũ từ Hải Phòng về Hà Nội, ngờ đâu là chuyến đi cuối cùng về Hải Phòng, chuyến cuối của cuộc đời của Vũ cùng gia đình.

Họ bất ngờ gặp tai nạn trên đường và qua đời lúc tài năng bùng nổ nhất, để lại niềm thương xót khôn nguôi. Tôi luôn nhớ nhiều, chàng trai phố Huế tài hoa ấy, nhớ quanh năm, nhớ mọi mùa. Mỗi mùa hè, tôi lại nhớ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ, họ đã về Hải Phòng. Mùa hè tuổi trẻ như vừa hôm qua. Không cần mường tượng mà cũng thấy hiện ra tất cả… Tôi viết mấy dòng thương nhớ. Cầu mong Vũ, Quỳnh lại tái sinh để làm thơ như ngày nào cùng các bạn thơ cửa biển Hải Phòng chờ đợi.

img

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.  Ảnh: TLGĐ

Những cơn mưa rào ngoài biển rủ nhau vào trong phố lúc nửa đêm, ồn ào như đàn bé thơ đùa nghịch, dội nước đuổi nhau trên mặt đường còn ấm nóng hơi thở mùa hè. Mùa hè những năm 70 thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ hay xuống Hải Phòng. Thành phố những năm chiến tranh, những chụp đèn phòng không sũng nước. Ánh sáng soi vào tầng tầng lá cây sáng lên như vàng, trong đôi mắt to buồn bã của Vũ:

“Con tàu về Cảng đêm mưa

 Ngã tư ngô đồng rụng lá

 Con sông mờ, thân cầu đổ

 Dãy nhà hoang ống khói âm thầm”.

Bạn bè thân thiết từ chiến trường trở về. Nguyễn Khắc Phục (1947-2016) cổ quấn khăn dù, râu lởm chởm, ở khu 5 bị sốt rét mới ra. Phục sau làm thủy thủ đi theo tàu, một tiền định cuộc đời Phục sau này lênh đênh. Thi Hoàng (1943) ở bộ đội, được nghỉ phép, người thấp bé đeo một chiếc lưỡi lê vỏ sắt, dài chấm đất. Thanh Tùng (1945) áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như người mê mẩn không biết gì. Tùng là thợ quai búa nhà máy cơ khí Kiến Thiết. Thanh Tùng là cái tên phổ thông, nhưng Doãn Thanh Tùng đã có định danh “Thời hoa đỏ”.

Nhà thơ, hoạ sĩ Tường Vân, mặt như vôi trắng, nụ cười rộng đến mang tai, vừa sờ sợ vừa buồn cười... cùng mấy người bạn nữa đợi Vũ ở quán ăn đêm của công nhân bốc xếp Cảng. Ngày ấy, tôi và họa sĩ Lê Đại Chúc phải làm bốc vác vẫn không đủ sống, thế nên tôi đã viết câu thơ: “Thành phố ăn nằm với biển/Đẻ ra một lũ cần lao”. Lũ cần lao đầy đam mê và nhiệt huyết ấy góp phần cơ yếu làm nên diện mạo văn nghệ đất Cảng thời chống Mỹ. Cái quán ăn dã chiến ồn ào, chen chúc những tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi vây quanh nồi nước dùng to tướng, ngùn ngụt khói, đặt ở góc nhà. Nguyễn Khắc Phục - tác giả của “Hoa cúc biển” đọc bài thơ về “Năm cửa sông như năm ngón tay”. Thi Hoàng khúc triết mà đa cảm với “Ba người hát giọng trầm”. Thanh Tùng viết về những khu phố bị bom Mỹ tàn sát “Những viên gạch bẻ ra còn thấy máu...”.

Trời ầm ầm đổ mưa. Lại một cơn mưa rào ngoài biển lạc vào trong phố. Tiếng ồn ào trong quán chợt lắng xuống. Những người bạn thuỷ thủ của tôi cầm cốc lại bàn chuốc rượu. Mừng các nhà thơ, mừng Vũ xuống Hải Phòng! Mừng các thủy thủ phá lôi của ta mở luồng Nam Triệu! (Nam Triệu cũng là tên nhà máy đóng tàu ở huyện Thủy Nguyên). 

img

Có đủ lý do để uống cho say, rượu Đồng Tháp đỏ như lửa, tưởng không bao giờ cạn. “Hẳn không có vẻ gì là thủy thủ nhưng hắn gợi cho người ta nhớ đến biển”-một câu tả chân dung trong cuốn “Đảo giấu vàng” (1883) của Robert Louis Stevenson.

Ngày đó ngồi ở đây, dù không là thủy thủ, nhưng nhìn nhau người ta cứ thường liên cảm tới một cái gì vừa gần gũi, vừa dữ dội, như thể là biển, là những ngọn sóng trào đang vây quanh bàn rượu, tựa lời một bài hát:

“Giữa hai ta là một biển sóng cồn

Từ những ngày xưa cũ

Bạn thân yêu ơi

Xin hãy cùng nhau cạn chén ân tình!”

Vậy mà gần 30 năm trôi qua, không quên được bạn bè, không quên được những cơn mưa rào ngoài biển, không quên được Vũ.

“Bỏ phố phường bỏ dòng sông anh tìm đến biển

Dù muộn mằn dù tê dại bàn chân

Trước mắt ta là khoảng vô cùng

Mặt trời như cốc rượu nhớ mong

Ta gửi lại muôn đời trên mỏm đá”

Lưu Quang Vũ đã đi rồi, cơn mưa cũng đã về với biển. Bạn bè rồi ai cũng sẽ thành sóng bạc đầu. Chỉ có chén rượu nhớ mong trên mỏm đá ngày xưa, mà sao vẫn còn mãi mãi. 

Tình bạn Khánh - Vũ

Đào Trọng Khánh sinh năm 1941, nguyên quán Phương Lung, xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy (nay là quận Dương Kinh), ngoại ô nhưng gắn bó với đô thị Hải Phòng. Sau khi về hưu, ông từ Hà Nội về Hải Phòng sống. Ông là một trong các nhà làm phim tài liệu hàng đầu Việt Nam, sự nghiệp có hàng chục phim để đời, sản xuất tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (nơi Đào Trọng Khánh công tác từ 1967-2005). 
Ông từng học khóa quay phim khóa chống Mỹ đào tạo phóng viên chiến trường để đi B, cùng Trần Văn Thủy, Thanh An, Lâm Quang Ngọc… từ 1965-1967, sau đó vào đường 9 Nam Lào. Ông thường viết kịch bản, lời bình cho các phim của mình. Cũng như những bài thơ sáng tác từ hơn 50 năm trước với bút danh Đào Nguyễn, câu chữ của ông sống động, giàu hình ảnh, xúc cảm và độc đáo. Chỉ xét về thơ, dù chưa hề xuất bản tập nào, Đào Trọng Khánh cũng đủ xứng đáng là một trong những cây bút đáng nể của văn nghệ Hải Phòng và Việt Nam.
Những người tài thường có duyên và tìm đến nhau. Tình bạn đặc biệt của ông và Lưu Quang Vũ từ 1965 đã làm nên đôi tri kỷ luôn thấu hiểu nâng đẩy, kích thích sáng tạo cho nhau. Họ chung nhiều kỷ niệm quý báu và vô giá. Họ là nhân chứng của nhiều tác phẩm sống cùng thời gian, một số là những câu thơ đỉnh cao và vở kịch bất hủ. Hơn kém nhau 7 tuổi, Khánh và Vũ xưng hô ông-tôi, họ vào thơ nhau, cùng liên cảm những nguồn thơ, ý tưởng nghệ thuật. 
“Đêm Đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh” là bài thơ đầy dấu ấn thời cuộc, lịch sử vượt lên khỏi mối quan hệ bạn bè. “Với tôi, Vũ không mất đi, không qua đời. Chúng tôi vẫn sống trong tình bạn hơn nửa thế kỷ cho đến khi được đoàn tụ với nhau ở cảnh giới bên kia. Chúng tôi vẫn hằng trò chuyện trong nhớ nhung, hoài niệm, trong giấc mơ và tâm tưởng”.
Bài viết “Vẫn mãi tuôn những cơn mưa ngoài biển” của Đào Trọng Khánh mang tính văn học sử của một thời trai những chân tài, thiếu thốn vật chất mà tràn đầy hoài bão, đam mê. Những người bạn ấy như những cơn mưa rào vẫn còn mưa trong thổn thức và trái tim tuổi trẻ.

Vi Thùy Linh