Dân Việt

Thu hoạch mía sớm để né lũ dữ

22/09/2011 09:45 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nay, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về sớm nên nông dân trồng mía ở vùng không có đê bao ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tất bật thu hoạch mía để né lũ.

Những ngày này, tại vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL), nông dân đang vào vụ thu hoạch mía dù các nhà máy đường trong vùng vẫn chưa hoạt động. Hiện tại, chỉ có mía giống ROC 16 đạt 9,6 chữ đường (CCS), còn các giống khác chỉ đạt dưới 7 CCS. Tuy nhiên, nông dân đã thu hoạch với diện tích khá lớn.

img
Vận chuyển mía lên ghe chở về nhà máy.

Ông Đặng Văn Mãnh - ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, đang tất bật thu hoạch 5 công mía giống ROC 16 với giá bán 1.000 đồng/kg (đã nhận cọc trước đó 1 tháng). Do rẫy mía của ông nằm ở vùng trũng lại không có đê bao nên năm nào ông cũng trồng giống mía chín sớm để thu hoạch trước khi nước lũ về.

Tương tự gia đình bà Nguyễn Thị Thủy - xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp cũng vừa thu hoạch xong 2 công mía giống Roc 16 bán với giá 960 đồng/kg. Bà Thủy cho biết: “Điều kiện sản xuất ở vùng này bắt buộc phải làm như vậy mới hiệu quả vì trồng giống chín trễ sẽ bị ngập. Với lại, thu hoạch sớm cho chắc ăn vì không biết đến giữa vụ giá có còn như hiện nay hay không và nông dân còn thêm 1 vụ lúa nữa”.

Ở xã Phụng Hiệp có 333ha mía thì hàng năm có khoảng 200ha bị ngập nước do không có đê bao. Đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 70ha. Ông Lê Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết: “Đến tháng 10 năm nay thì toàn bộ diện tích mía trong xã sẽ bị ngập nước nên nông dân tranh thủ đốn mía sớm. Năm nay do chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao nên nông dân không còn lời nhiều như năm rồi. Bình quân 1ha mía nông dân lời từ 20 - 30 triệu đồng”.

Nông dân thu hoạch mía sớm ngoài áp lực “chạy” lũ còn để làm thêm 1 vụ lúa bằng hình thức sạ gửi ngay trên liếp mía. Dự kiến sẽ có từ 4.000 - 5.000ha lúa được gieo sạ trên liếp mía.

Tại những vùng có đê bao thuộc các xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, thị trấn Cây Dương… nông dân cũng thu hoạch mía sớm. Ông Nguyễn Ngọc Hải - ở thị trấn Cây Dương, thu hoạch 10 công mía giống ROC 16 cách đây gần 1 tháng.

Ông Hải cho biết: “Vùng này có đê bao nhưng tôi vẫn thu hoạch sớm vì lúc đó mía có giá tới 1.000 đồng/kg mà không cần đo chữ đường. Với lại tôi có thể lưu gốc để đến vụ mía mới bán mía hom (mía giống) với giá gấp đôi so với mía nguyên liệu…”.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết: “Theo thống nhất của 10 nhà máy đường trong vùng ĐBSCL thì đợt 1 sẽ có 4 nhà máy vào vụ sớm. Cụ thể ngày 25.9, Nhà máy Đường Phụng Hiệp và Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) sẽ khởi động; ngày 26.9 đến lượt Nhà máy Đường Vị Thanh và Nhà máy Đường Long Mỹ Phát chạy. Các nhà máy còn lại sẽ lần lượt hoạt động sau ngày 10.10. Các nhà máy chạy sớm để thu mua mía nông dân thu hoạch chạy lũ”.