Dân Việt

Tại sao phải ăn thực phẩm bẩn: Mỗi ngày, 315 người chết vì ung thư

Lê San 06/06/2017 06:24 GMT+7
Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và có hơn 200.000 ca phát hiện mới. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Thế nhưng tình trạng vi phạm ATTP lại không giảm, có nơi lúc, có nơi đã chạm đến “giới hạn đỏ”.

LTS: Sáng 5.6, Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật ATTP. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 5 năm (2011-2016), tình trạng vi phạm về ATTP ngày càng phổ biến trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, theo một số liệu được trích trong báo cáo cho thấy: Mỗi năm, nước ta có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được .

Vậy, tại sao tồn tại thực phẩm bẩn và vì sao người dân Việt Nam chúng ta phải ăn thực phẩm bẩn?. Từ số báo hôm nay 6.6, Báo điện tử Dân Việt sẽ mở Diễn đàn “Tại sao phải ăn thực phẩm bẩn”. Bạn đọc có những chia sẻ, góp ý về vấn đề này, xin gửi về hòm thư điện tử: hoivatamnong@gmail.con hoặc lesanbtv@gmail.com (bài được đăng báo sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định).

img

Các cơ quan chức năng thường xuyên bắt giữ, xử lý các lô thực phẩn bẩn được vận chuyển lậu vào Việt Nam

Cụ thể đối với lĩnh vực rau quả, kiểm tra hơn 54.000 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm (chiếm hơn 16%), tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%; kiểm tra trên 2.000 đợt với hơn 63.000 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), phát hiện và xử lý trên 7.000 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%). Các vi phạm phổ biến là không bảo đảm thời gian cách ly, liều lượng và nồng độ sử dụng thuốc, thuốc không rõ nguồn gốc, có nơi sử dụng thuốc cấm. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong 5 năm qua là 678.755 cơ sở, chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra.

Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam trong top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Mỗi ngày trung bình có khoảng 315 người chết vì ung thư. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày.

Theo số liệu này, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc Top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc Top 1).

img

Số vụ vi phạm về vệ sinh ATTP không giảm mà còn tiếp tục gia tăng

Được biết, 9 tháng đầu năm 2016 các lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý hàng trăm tấn chất phụ gia, thực phẩm không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, điển hình là: Ngày 7.4.2016 thu giữ 4,2 tấn phụ gia thực phẩm tại khu 2, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh); Ngày 16.4.2016 thu giữ 1,3 tấn phụ gia thực phẩm tại quận Đống Đa (Hà Nội). Đầu tháng 8.2016, các cơ quan chức năng phát hiện 600 kg bột chất tạo màu thực phẩm, 750 tấn bột thực phẩm công nghiệp, 4 tấn cá trắm, trên 1,1 tấn sò lông… được vận chuyển lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua TP. Móng Cái (Quảng Ninh)…

Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 8 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, 110 nghìn tấn thuốc BVTV, chất thải do xử lý bao bì phân bón, thuốc BVTV không đúng cũng để lại tồn dư lớn trong môi trường đất, nước ngầm.

Phần lớn lượng thực phẩm mua bán trên thị trường hiện nay do hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ cung cấp. Cả nước có khoảng 500.000 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, chủ yếu là quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ và thủ công. Vì vậy việc ghi chép, ghi nhãn, thông tin về sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Rau, quả, thịt, thủy sản tươi sống… phần lớn chưa có nhãn, mác, thiếu dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm. Qua báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, khi có sự cố ngộ độc thực phẩm, rất khó truy xuất được nguồn gốc và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Sáng 5.6, Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật ATTP. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 5 năm (2011-2016), tình trạng vi phạm về ATTP ngày càng phổ biến trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, theo một số liệu được trích trong báo cáo cho thấy: Mỗi năm, nước ta có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được .

Vậy, tại sao tồn tại thực phẩm bẩn và vì sao người dân Việt Nam chúng ta phải ăn thực phẩm bẩn?. Từ số báo hôm nay 6.6, Báo điện tử Dân Việt sẽ mở Diễn đàn “Tại sao phải ăn thực phẩm bẩn”. Bạn đọc có những chia sẻ, góp ý về vấn đề này, xin gửi về hòm thư điện tử: hoivatamnong@gmail.con hoặc lesanbtv@gmail.com (tác phẩm đăng báo sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định).