Nói như ông Tú không sai nếu như xăng dầu là một mặt hàng bình thường, với nghĩa không có độc quyền, như các mặt hàng khác. Không sai nếu như việc công khai thành phần giá bán khiến ngay cả chuyên gia hàng đầu về giá- chứ không phải chỉ người tiêu dùng- cũng phải lắc đầu (vì không thể biết đúng sai).
Nhưng khi chuyện lỗ, lãi xuất hiện trong cuộc "khẩu chiến xăng dầu" hôm 20.9, thì rõ ràng là nếu không có kiểm toán- một cơ quan mang tính chất trọng tài- giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ vẫn mãi ở vào tình trạng tù mù. Petrolimex, doanh nghiệp chiếm 60% thị phần phân phối khẳng định họ đang lỗ 1.800 tỷ và sẽ lỗ tiếp 200 tỷ sau quyết định giảm giá xăng dầu vừa qua.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, người có 11 năm làm công tác kiểm toán khẳng định các DN kinh doanh xăng dầu đang lãi. Petrolimex dựa vào những tính toán của chính họ. Bộ Công Thương dựa vào tính toán của Petrolimex. Có nghĩa chuyện lỗ hay không phụ thuộc vào lương tâm trách nhiệm, sự trung thực của... doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính thì nói lãi căn cứ vào số liệu của Hải quan. Chỉ những người dân là không hiểu. Bởi rõ ràng vài trăm, vài ngàn tỷ không phải là con cá lá rau được sản xuất thủ công bằng những khoản đầu ra tiết kiệm của nông dân mà chỉ nói miệng đơn giản là lỗ hay lãi được.
Khi đã có sự khác biệt xung quanh vấn đề then chốt đến như vậy thì đơn giản là cần kiểm toán.
Đáng lẽ giá xăng dầu, một loại hàng hóa- dù trọng yếu- chẳng cần phải kiểm toán nếu như nó không được quyết định bởi 11, thực chất là 3, chính xác là 1 doanh nghiệp đầu mối độc quyền nhập khẩu và phân phối trên thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, trong cuộc “khẩu chiến” giá xăng, thậm chí còn nặng nề đến mức đề nghị "dùng đầu nhiều hơn dùng chân tay" (trong điều hành giá xăng dầu). Ngay sau phát biểu của ông, một đại diện của doanh nghiệp, tất nhiên, đề nghị "thả" giá xăng dầu theo thị trường để giá "có lên, có xuống".
Cái đích của việc quản lý giá xăng dầu, ý nghĩa của chữ thị trường, rút cục cũng sẽ tiến tới việc thả giá cho thị trường quyết định. Nhưng trong điều kiện 90% thị phần phân phối nằm trong tay chỉ 3 doanh nghiệp Petrolimex, Saigon Petro và PVOil, khi việc tính toán giá bán tùy thuộc vào... sự trung thực và "lương tâm con buôn", khi vẫn còn tranh cãi hoặc lỗ, hoặc lãi xung quanh những con số ngàn tỷ đồng, khi người dân chỉ được quyền mua mà không có quyền mặc cả, thì rõ ràng giá xăng dầu là không thể "thả" được.
Đã có quá nhiều thứ giá đang gắn với chữ thị trường. Giá điện. Giá xăng dầu...Toàn những mặt hàng chi phối đến cả nền kinh tế cũng như đời sống thiết thực của hơn 80 triệu dân. Nhưng đó là thứ thị trường mà sự độc quyền triệt tiêu sự cạnh tranh, tước luôn cái quyền tối thiểu của người mua trong một nền kinh tế thị trường: Quyền mặc cả.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu. "Quan điểm điều hành của Bộ Tài chính- ông nói- sẽ không thể vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân". Nhưng điều làm người dân hy vọng là những tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ làm rõ ràng giá bán lẻ xăng dầu, một thứ giá tù mù mà ngoài các doanh nghiệp, và có thể là cả Bộ Công Thương nữa- thì chẳng ai biết đúng sai lỗ lãi thế nào.
Nhưng cái gốc, cái mấu chốt, cái khó, cái mắc trong câu chuyện giá xăng dầu hiện nay chính là việc độc quyền- thử tưởng tượng xem: 3 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần phân phối- mà sự kêu lỗ trường kỳ, mà đòi tăng giá liên tục trong thời gian qua, chỉ là một biểu hiện. Để giải quyết câu chuyện thị trường thì trước hết cần phải cho người mua quyền cái quyền cơ bản là mặc cả. Để giải quyết câu chuyện giá xăng thì trước hết, hoặc rút cục, là phải giải quyết được câu chuyện độc quyền. Giải bài toán giá, vì thế, đúng là cần đầu óc chứ không thể chỉ mạnh chuyện chân tay được.n
Anh Đào