Dân Việt

Lại một bệnh nhân không thể qua nguy kịch vì say nắng quá nặng

Hồng Hải 06/06/2017 10:55 GMT+7
Anh Cao Văn K. (42 tuổi, Hàm Yên, Tuyên Quang) vừa đi gặt lúa về thì xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, ngất. Được đưa đến BV cấp cứu nhưng sau một ngày, tình trạng diễn biến nặng, tiên lượng khó qua khỏi, sáng sớm 5/6 gia đình đã xin cho bệnh nhân về.

Trước đó, ngày 4/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Cao Văn K, 42 tuổi, trú tại Thái Long, Hàm Yên, Tuyên Quang trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không biết, sốt cao 40 độ C, da niêm mạc nhợt nhạt, được chẩn đoán sốc nhiệt.

img

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng say nắng nặng, diễn biến ngày càng xấu, gia đình đã xin cho bệnh nhân về sáng 5/6. Ảnh: BS cung cấp.

Người nhà bệnh nhân cho biết ngay sau khi đi gặt lúa nhiều giờ đồng hồ ngoài đồng trở về nhà bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của sốc nhiệt gồm hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu. Sau khi được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Sơn để cấp cứu, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Theo Bác sỹ CKII Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân K đã được chườm mát, hạ sốt, bù dịch, bổ sung điện giải, dùng thuốc vận mạch, chống sốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có biểu hiện suy đa tạng.

Do tình trạng sốc nhiệt nặng, suy đa tạng, được các bác sĩ tập trung cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân sức khỏe quá yếu, tiên lượng tử vong cao, nên sáng sớm ngày 05/6, gia đình đã xin cho bệnh nhân được xuất viện.

BS Việt cho biết, các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng kỷ lục như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời từ 11-15h.

Khi đi đường ở những giờ nắng nóng cao điểm cần trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng như đội mũ rộng vành, đội nón, mặc quần áo nhẹ, rộng, thoáng mát, áo chống nắng, đeo khẩu trang... Cần ăn nhiều rau xanh và các loại quả có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, dưa hấu... Đặc biệt cần uống đủ nước hàng ngày (từ 2-3 lít nước/1 ngày).

Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng... Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường chống nóng cho bệnh nhân

Trước diễn biến nắng nóng kéo dài, ngày 5/6 Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các Ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tăng cường rà soát, áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam.

Theo đó bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; Tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; Bảo đảm tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt.

Tại khoa điều trị: tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước uống miễn phí, nước sạch cho người bệnh. Không để hoặc hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

Bệnh viện cũng cần bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa...