Hành vi "mafia" này chỉ thấy ở đền Uluwatu ở Bali, những con khỉ ăn cắp kính, máy ảnh thậm chí cả tiền rồi bỏ chạy cho đến khi du khách phải đưa chúng đồ ăn thì mới trả lại. Các nhà nghiên cứu tin rằng, những chú khỉ này đã phát triển khả năng nhận thức đến mức khó tin, tương tự như con người.
Tiến sĩ Fany Brotcorne, thuộc đại học Liège, Bỉ, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Những chú khi này luôn tìm cách đánh cắp mũ, bút và thậm chí cả những dữ liệu nghiên cứu của tôi”. Nhóm nghiên cứu đã dành 4 tháng để quan sát những con khỉ sống gần ngôi đền thực hiện các hành vi xấu của chúng.
Mặc dù việc ăn cắp vặt này đã được các du khách kể lại vài năm nay, nhưng nghiên cứu của tiến sĩ Brotcorne lần đầu tiên đưa ra bằng chứng rằng, hành vi của lũ khỉ được truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Tiến sĩ cũng nhận ra rằng, những nhóm khỉ mới đến sinh sống ở khu vực đền Uluwata cũng bắt đầu học cách cư xử này sau một thời gian quan sát lũ khỉ đã sống ở đây từ trước.
Các nhà nghiên cứu cho biết hành vi này thường xảy ra theo 2 bước: Sau khi đánh cắp những đồ vật của du khách, loài linh trưởng bắt đầu sử dụng chúng như chìa khóa trao đổi lấy thức ăn.
Họ cho rằng, nghiên cứu này sẽ cho con người cái nhìn sâu sắc hơn về tâm lý học của loài khỉ và khả năng học hỏi lẫn nhau cũng như khả năng lên kế hoạch cho tương lai của chúng.
“Kỹ năng trao đổi không được biết nhiều ở động vật. Kỹ năng này thường mặc định là chỉ dành cho con người”- tiến sĩ Brotcorne nói.