ASIAD và bài học của... nông nghiệp nước nhà
Để khẳng định sức mạnh của châu Á tại Olympic, Ủy ban Olympic châu Á đã quyết định dời định kỳ tổ chức ASIAD đến ngay trước thế vận hội để các quốc gia châu Á có một kì "tập dượt" chuẩn bị cho sân chơi lớn nhất hành tinh.
Việt Nam sẽ có thời gian dài hơn (nếu nói một cách lạc quan) để chuẩn bị cho ASIAD 18. Kỳ ASIAD 16 tại Quảng Châu của nước láng giềng có mối quan hệ thể thao mật thiết với Việt Nam là một cơ hội học tập cực kì quý báu. Nhưng học tập không có nghĩa là bắt chước. Bởi bắt chước sao được!
Từ thể thao nhìn lại... nền nông nghiệp nước nhà. Một năm không biết có bao nhiêu đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm sản xuất của các nước nông nghiệp phát triển. Nhưng bà con nông dân hưởng lợi gì từ những cuộc học tập ấy thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Cách đây nhiều năm, khi biết một trung tâm khoa học nông nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc lai tạo để bò Việt Nam đẻ ra bò sữa giống Hà Lan, nhiều người đã rất mừng.
Tôi lúc ấy là phóng viên đầu tiên tiếp xúc với "công trình học tập vĩ đại ấy". Sau khi tiếp xúc tôi mới tá hỏa: Công trình lai tạo mà ta học của Hà Lan ấy cho giá thành sản phẩm là... 2,2 tỷ đồng/một con bò sữa (con bê sữa thì đúng hơn). Sự bắt chước mang danh học tập “hoành tráng” đến cỡ ấy.
Việc bắt chước trong ngành nông nghiệp Việt Nam khiến cho vải thiều bị giảm giá xuống còn 1/10 sau 10 năm nhân rộng mô hình trồng vải. Nó khiến nảy sinh những chuyện dở khóc dở cười như bò phải ăn thanh long, dưa hấu thay cho rơm cỏ… Vì thế, ở ASIAD 16 tại Quảng Châu, cái gì có thể học được thì hãy học!
Học thiết thực
Ngay tại ASIAD này, sau lễ khai mạc, nhiều thành viên trong đoàn thể thao VN đã tranh cãi là: Làm thế nào để VN (nếu có thể) có được đêm khai mạc với phần biểu diễn hoành tráng như Quảng Châu? Nhiều nghệ sĩ, đạo diễn trong nước “bàn” lấy sông Hồng thay cho dòng Châu Giang để làm sân khấu biểu diễn, bắt chước tư tưởng của Quảng Châu: Đưa không khí lễ hội đến khắp thành phố. Xin thưa, đừng có mà dại! Chưa cần kể đến kinh phí và trình độ biểu diễn mà có lễ hội trên sông như thế, tại Hà Nội khó tránh sự chen lấn, xô đẩy...
Hãy nghĩ và làm thiết thực, thay cho việc phóng tên lửa xua mây, ngăn mưa như Quảng Châu hãy nghĩ đến chuyện chọn thời điểm khô ráo nhất trong năm mà tổ chức. Thay cho chủ đề: "Đưa nước thánh về biển cả" thì hãy dùng chủ đề: "Vươn ra biển lớn" cho phần khai mạc. Thay cho việc xây dựng mới hàng loạt các trung tâm thi đấu thì hãy gìn giữ, bảo dưỡng tốt các cơ sở hiện có...
Nếu việc xin đăng cai hanh thông, chuyện "hậu ASIAD" cũng là chuyện ta phải học tập Quảng Châu: Các nhà thi đấu mới xây dựng của các bộ môn được giao cho liên đoàn môn đó quản lý ngay sau ASIAD. Các liên đoàn, đơn vị trực tiếp lo cho sự phát triển của từng môn thể thao sẽ có nơi tập luyện, thi đấu riêng. Vì thế các liên đoàn sẽ được chủ động hơn trong việc phát triển bộ môn của mình.
Tại Việt Nam, ngoài LĐBĐ ra, người ta hầu như không thấy sự ảnh hưởng của các liên đoàn nào khác. Tất cả nằm dưới "cái bóng" quá lớn của Tổng cục TDTT. Khi không có quyền chủ động, các liên đoàn làm sao có thể phát triển được bộ môn của mình
Nam Hải