Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Điều gì khiến một nhạc sĩ có tài tạo hit cho loạt ca sĩ trẻ như: “Vầng trăng khóc” với Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc, “Mùa đông không lạnh” với Akira Phan, “Nhật kí của mẹ” với Hiền Thục… lại bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư cho ca nhạc thiếu nhi để rồi dịp Quốc tế thiếu nhi vừa qua, anh cho ra mắt quyển sách nhạc “100 bài hát thiếu nhi” do chính anh sáng tác và biên soạn?
Có rất nhiều lý do: thứ nhất, với tư cách là 1 nhạc sĩ, tôi đã từng may mắn được khán giả biết tới qua nhiều ca khúc về đề tài tình yêu mà tôi đã hợp tác với nhiều ca sĩ suốt hơn 10 năm qua, thành công của những ca sĩ đó cũng là thành công của tôi. Và tôi không muốn bản thân bị ngủ quên trên những thành công đó. Tôi muốn thử thách bản thân mình, đặt ra những mục tiêu cao hơn để thực hiện, để sự nghiệp âm nhạc của tôi được phong phú và đa dạng hơn!
Thứ hai, với tư cách là một người công dân trẻ, tôi muốn cống hiến một điều ý nghĩa cho xã hội, cho nền âm nhạc Việt Nam, nhất là mảng đề tài âm nhạc thiếu nhi vốn đang rất thiếu. Dù ít dù nhiều, dù thành công hay không, tôi vẫn muốn là người đi tiên phong trong lý tưởng này. Tôi luôn mong muốn góp phần xây dựng một môi trường âm nhạc đúng nghĩa dành cho thiếu nhi, và mình phải bắt đầu làm từ những điều thiết thực nhất mà một người nhạc sĩ có thể làm. Đó là sáng tác! Nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, ngại không có ai đầu tư, thì làm sao có được sản phẩm, làm sao tạo được động lực để mọi người chung tay? Vì thế tôi làm!
Thứ ba, với tư cách là một người cha, tôi viết nhạc thiếu nhi, làm ra quyển sách thiếu nhi này là mong muốn mang lại niềm vui cho các con của tôi, các con của bạn bè tôi, và của rất nhiều khán giả đã yêu mến và ủng hộ tôi suốt hơn mười mấy năm qua.
Bìa sách nhạc của Nguyễn Văn Chung.
- Sự chuyển hướng này có khó khăn gì đối với anh không khi những sáng tác gắn liền với tên tuổi anh thường trung thành với chủ đề về tình yêu, gia đình?
Có khó khăn chứ. Ai cũng nghĩ viết nhạc thiếu nhi dễ. Đúng là có vẻ dễ, nhưng viết làm sao cho nó hay, cho nó ý nghĩa, cho các bé thích và cả gia đình đều thích thì không dễ tí nào. Đừng nghĩ viết nhạc thiếu nhi thì chỉ cần viết những bài hát có ca từ ngô nghê đơn giản là xong. Để viết được những bài hát thiếu nhi được nhiều người yêu mến như hiện nay, tôi đã phải rèn luyện rất nhiều. Thậm chí, ngay từ khi bắt đầu, tôi đã tự ép mình vào một môi trường suốt ngày suốt tuần phải tiếp xúc liên tục với các bé thiếu nhi để dạy học, để trò chuyện, tâm sự và chơi cùng các bé, để có thể hiểu được tâm lý trẻ con, để có thể biết chúng thích gì, mê gì, nghĩ gì, từ đó mới có nhiều cảm xúc, suy nghĩ giống như một đứa trẻ và mới có thể viết được những bài hát cho thiếu nhi.
- Nhiều người hâm mộ băn khoăn rằng, tại sao nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không đầu tư, chăm chút cho ca nhạc thiếu nhi ngay từ ngày đầu anh mới vào nghề để có được thành công song hành: vừa là tác giả của những bản hit trẻ, vừa là “cha đẻ” phát triển nhạc thiếu nhi?
Cái gì cũng cần có quá trình, mục tiêu nào cũng cần có thời gian. Nếu ngay từ đầu, khi tôi chưa có thành công nào trong tay, thì tôi viết nhạc thiếu nhi cho ai nghe, và ai sẽ quan tâm? Vì thế, tôi phải thành công bên lĩnh vực nhạc trẻ trước. Khi thành công ở một lĩnh vực rồi, tôi sẽ dùng kinh nghiệm và lợi thế tích lũy được để chinh phục một đỉnh cao mới.
Ngay từ khi tôi mới bắt đầu viết nhạc, tôi chỉ muốn mình trở thành "nhạc sĩ tình ca", nghĩa là chỉ chuyên viết về đề tài tình yêu bằng cảm xúc của mình. Thế nhưng khi có gia đình, tôi nhận thấy được một người nhạc sĩ đúng nghĩa nên có một trách nhiệm lớn hơn nhiều. Đó là dùng khả năng của mình, dùng những bài hát và ca từ của mình để tôn vinh những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, để đông đảo khán giả hiểu và trân quý những điều tốt đẹp. Điều đó sẽ giúp mọi người trong gia đình quan tâm nhau hơn, yêu thương nhau hơn, cha mẹ dành thời gian cho con cái, con cái lễ phép và biết ơn cha mẹ, mọi người sống nhân ái hơn và sống đẹp hơn. Đó là lý tưởng mà tôi theo đuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bên các em thiếu nhi.
- Có người cho rằng rẽ sang dòng nhạc thiếu nhi là 1 lựa chọn "an toàn" của anh khi càng ngày thị trường âm nhạc càng có nhiều tài năng trẻ, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt?
Nếu chuyển hướng như vậy là "an toàn" vậy tại sao các nhạc sĩ khác lại không làm? Nếu đường dễ đi như vậy tại sao chỉ có mình tôi đi? Tôi nói thẳng: đây là một vùng đất ít ai dám bước vào gieo trồng, vì nó không ngay lập tức sinh ra lợi nhuận và danh tiếng như vùng đất của những bài hát về tình yêu. Nó cần sự tận tâm để gieo mầm, vun trồng, chăm bón, và nó sẽ mất rất nhiều thời gian để có được quả ngọt. Nhưng khi nó thành công, nó sẽ là điểm son, là di sản, là niềm tự hào của một người nhạc sĩ. Tôi tin những người sâu sắc sẽ thấy được cái TÂM và sự DŨNG CẢM của tôi. Tôi có lý tưởng của mình và sẽ kiên trì theo đuổi lý tưởng đó.
- Theo dõi các gameshow truyền hình, cuộc thi âm nhạc, chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em hiện nay dễ thấy các thí sinh nhí gần như hát những ca khúc “lớn trước tuổi” khiến các em bị gọi là “trái chín ép”. Quan điểm của anh thế nào? Liệu lỗi có phải do các nhạc sĩ đầu tư quá ít “vốn” để có những sản phẩm nhạc thiếu nhi chất lượng cho các em?
Lỗi trước hết là do những người lớn. Họ làm chương trình thiếu nhi nhưng lại không vì thiếu nhi, đáng lẽ chúng chỉ nên được ca hát một cách vui vẻ, vô tư, thì trên truyền hình, chúng lại phải mang 1 áp lực nặng nề của việc thi thố thể hiện kỹ thuật bản thân, thể hiện sự "có vẻ chuyên nghiệp" và phải làm mục tiêu cho người lớn phán xét, đánh giá, soi mói, mang lại rating cao cho nhà đài và mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất.
- Anh tạm gác lại những sáng tác mới về tình yêu để thực hiện ý tưởng đưa nhạc thiếu nhi đến sớm, đến gần hơn với các em. Bà xã Kim Thanh có biết việc này không và giúp đỡ anh những gì?
Vợ tôi luôn biết những điều tôi đang làm và luôn bên cạnh ủng hộ và giúp đỡ tôi khi tôi cần!
- Sự thật là khi cho ra đời những sản phẩm âm nhạc mới, ấp ủ ý tưởng thực hiện quyển sách nhạc “100 bài hát thiếu nhi” có lúc nào anh thấy nản?
Có rất nhiều lúc tôi thấy nản lòng! Tôi cũng là 1 người đàn ông bình thường, cũng có những nỗi buồn, sự lo âu trong suốt quá trình thực hiện dự án này. Thời gian 3 năm rất dài, có những lúc tôi bị chơi vơi, mất phương hướng, không biết việc mình đang làm có đúng không, có mang lại thành công không? Không biết mình tạm gác lại những thành công bên đề tài tình yêu để chuyển sang dự án này có phải là sai lầm không, có hối tiếc không? Đôi khi nhìn những bạn bè đồng nghiệp nhận giải thưởng này, giải thưởng kia, tôi cũng có lúc chạnh lòng. Những lúc ấy, cũng may, chính những bé học trò của tôi đã vực tôi dậy, và cho tôi niềm tin, động lực để tôi đi tiếp trên con đường mình chọn. Bởi vì, khi tôi nghe cha mẹ các bé nói rằng:"Thầy là một người thầy tốt, có tâm. Bé khi học với thầy đã thay đổi và tiến bộ rất nhiều, không chỉ trong ca hát và trong cả cách ứng xử với người lớn, với những người trong gia đình. Xin cảm ơn thầy nhiều lắm!". Những lời khen đó làm tôi thấy con đường mình đi thật đầy ý nghĩa và có giá trị.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ niềm hạnh phúc khi có nhiều bé chép nhạc, gửi tranh tô màu những bài hát về cho anh sau khi các bé đã hát được bài hát ấy sau ngày ra mắt sách "100 bài hát thiếu nhi" (Ảnh: FBNV)
- Nhiều người không khỏi thắc mắc khi anh đầu tư cho nhạc thiếu nhi thì sẽ không còn được nghe những sáng tác nhạc trẻ mới của anh nữa. Vậy anh có điều gì nhắn nhủ với người hâm mộ?
Tất nhiên mọi người vẫn sẽ được nghe những sáng tác về đề tài tình yêu của tôi. Hiện tại thì những hạt mầm tôi đã gieo xong. Giờ thì tôi sẽ chăm sóc 1 lúc 2 khu vườn âm nhạc của tôi. Sắp tới mọi người sẽ được nghe những bài hát tình yêu mới của tôi với sự thể hiện của ca sĩ Ái Phương và Hoàng Yến Chibi.
- Kế hoạch trong thời gian tới đây của anh là gì, thưa anh?
Kế hoạch sắp tới của tôi là kết hợp với những đơn vị để đi 60 trường mầm non để làm những chương trình ca nhạc cho các bé và quảng bá cho quyển sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi này. Ngoài ra, tôi sẽ phát hành những sản phẩm âm nhạc mới của tôi.
Xin cảm ơn anh!