Dân Việt

Ông Dương Công Minh làm gì với gần 60 nghìn tỷ nợ xấu của Sacombank?

Trần Giang 08/06/2017 07:42 GMT+7
Sau khi có đơn xin rút khỏi LienVietPostBank, ông Dương Công Minh đã được giới thiệu vào danh sách ứng viên HĐQT Sacombank thay cho ông Nguyễn Đức Hưởng vừa rút. Nếu ông Minh ngồi vào ghế nóng Sacombank, ông sẽ xử lý thế nào với gần 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu của Sacombank?

Theo nguồn tin của Dân Việt, một ngày sau khi ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của LienVietPostBank diễn ra, HĐQT của Sacombank đã có một cuộc họp về việc bổ sung thêm 2 ứng viên thay thế ông Nguyễn Đức Hưởng và bà Nguyễn Thị Hồng. Trong số ứng viên được giới thiệu, xuất cái tên khá quen thuộc là ông Dương Công Minh. Ngoài ra, còn có thêm 2 nhân sự của Vietcombank cũng được giới thiệu vào.

Ai đang gom cổ phiếu cho ông Minh?

Một diễn biến khá liên quan là diễn biến của cổ phiếu STB trên thị trường. Cổ phiếu STB có diễn biến giao dịch sôi động trong thời gian gần đây khi các thông tin về quá trình tái cơ cấu và nhân sự tham gia liên tiếp được đưa ra. Giá cổ phiếu STB tăng 16,3% từ đầu tháng 5.2017 đến nay.

img

Giao dịch cổ phiếu STB từ đầu tháng 5 đến nay

Đặc biệt, tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị giao dịch trung bình của cổ phiếu STB đạt 64.5 tỷ đồng. Riêng ngày 5.6.2017, cổ phiếu STB có giao dịch thỏa thuận đột biến với khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 25.49 triệu cổ phiếu (tương đương 327,56 tỷ đồng được trao tay). Sau giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra, thì thanh khoản ở phiên sau tăng vọt, khớp trên 13,5 triệu cổ phiếu trong phiên (gấp 3.5 lần khối lượng giao dịch trung bình trong 1 tháng).

Vấn đề đặt ra, nếu ông Dương Công Minh ngồi vào ghế nóng của Sacombank, thì số cổ phần tại LienVietPostBank của HimLam và người có liên quan sẽ phải thoái xuống dưới 5% theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN… nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Hiện Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Minh sở hữu 99% cổ phần. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Như vậy, theo quy định tại Thông tư 36, công ty Him Lam sẽ phải bán hết số cổ phần của LienVietPostBank đang nắm giữ hiện nay. Vấn đề đặt ra là đối tác nào đủ khả năng mua lại số cổ phần này của Him Lam?

Thách thức 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Có lẽ thách thức lớn nhất với ông Dương Công Minh khi ngồi vào ghế nóng Sacombank chính là con số gần 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu đang chờ xử lý. Được biết, trong số nợ xấu này, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý.

Mới đây, Sacombank vừa công bố báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2015, 2016 với con số nợ xấu khá cao.

Tại thời điểm 31.12.2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng.

img

Tuy nhiên, ông Dương Công Minh có nhiều thuận lợi khi đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập được NHNN duyệt với nhiều điểm thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Đầu tiên là 37.300 tỷ đồng trái phiếu VAMC được cho phép thực hiện trích lập dự phòng theo năng lực tài chính trong thời gian 10 năm. Các tài sản tồn đọng, NHNN cho phép Sacombank bán nợ theo giá trị thị trường, trường hợp giá bán nợ thấp hơn dư nợ gốc thì chênh lệch được phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh trong thời gian tối đa 5 năm.

Về dự phòng rủi ro tín dụng, Sacombank được trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính. Riêng khoản lãi dự thu, Sacombank được phép khoanh trên báo cáo tài chính đến thời điểm 31.12.2015 và phân bổ vào chi phí hoạt động kinh doanh theo năng lực tài chính trong thời gian tối đa 10 năm.

Các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần vượt 11% vốn điều lệ công ty hoặc sở hữu chéo cũng được chấp thuận lộ trình xử lý dần dần theo đề án tiến tới đảm bảo các quy định pháp luật.

Với những điểm này, Sacombank được NHNN khá ưu ái so với đa số ngân hàng khác, vì thời điểm duyệt đề án tái cơ cấu Sacombank, nhiều vấn đề về xử lý nợ xấu vẫn đang được thảo luận tại Quốc hội. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ khá lớn từ phía Chính phủ và NHNN.

Với phương án bán nợ theo giá trị thị trường và bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi so với mức đáy của năm 2012-2013 có thể đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu tại Sacombank. Và ông Dương Công Minh với kinh nghiệm mấy chục năm qua làm bất động sản, việc xử lý nợ xấu liên quan được cho là khả thi.

Với việc được duyệt đề án tái cơ cấu, Sacombank chính thức chấm dứt thời gian chờ đợi (1,5 năm từ tháng 10.2015), để bắt tay vào quá trình tái cơ cấu.

Việc còn lại của Sacombank đó là ổn định phương án nhân sự để 30.6 tới ĐHĐCĐ thường niên 2015, 2016 diễn ra thành công và đội ngũ nhân sự mới sẽ tập trung xử lý các vấn đề nội tại để vực dậy Sacombank một thời.