Dân Việt

Trưởng Ban tổ chức T.Ư chỉ cách kiếm 20.000 tỷ xây sân bay Long Thành

Trần Giang 08/06/2017 16:37 GMT+7
Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính, đoàn Quảng Ninh, hiện là Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, tính toán năm 2017, nếu tiết kiệm chi thường xuyên 1% đã có trên 10.000 tỷ đồng. Năm 2018 tiết kiệm 1% sẽ có trên 20.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành.

Chiều nay, 8.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án tách nội dung bồi thường ra làm dự án riêng, tuy nhiên không ít ý kiến băn khoăn về việc tiền triển khai dự án. Theo dự tính, tiền triển khai cho dự án này là 23.000 tỷ đồng.

Thiếu 12.500 tỷ đồng, Chính phủ lấy ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, cũng đồng tình với phương án tách, tuy nhiên, lo ngại dự án này không khả thi vì vốn chỉ có 5.000 tỷ đồng, kinh tế gặp khó, nợ công tăng cao, Chính phủ phải giải trình lấy tiền từ đâu ra.

“Thu hồi đất mà chỉ triển khai giai đoạn 1 và 10 năm sau mới triển khai giai đoạn 2 thì đất đó có tránh được lấn chiếm, tái định cư của người dân. Nếu không lường trước thì Nghị quyết có thể là lực cản của tiến độ”, đại biểu Phương nêu quan điểm.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình  (Ảnh: Đàm Duy)

Đại biểu Phương cho biết chỉ đồng ý tách và giao Chính phủ rà soát đánh giá tác động và khả năng triển khai dự án.

“Cần tập trung chỉ đạo công khai minh bạch không để lợi ích nhóm, căn cứ thực tiễn thị trường tránh chênh lệch giá quá cao. Diện tích giải phóng mặt bằng phần có phát sinh thu thêm là cân nhắc vì dễ bị lợi dụng”, đại biểu Phương lo ngại.

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc, lo ngại về việc giải phóng mặt bằng đặc thù, kéo dài. Thời gian đến khi khởi công còn 2 năm nên nếu không giải phóng mặt bằng trước không có đất triển khai, khi có quy hoạch, đất khu vực dự án không được đầu tư, gây bức xúc cho nhân dân.

Đại biểu Tiến cũng lo ngại hiện kinh phí chỉ có 5.000 tỷ đồng, trong khi tính toán sơ bộ là 23.000 tỷ đồng. “Tiền lấy đâu ra? Xử lý sao trong khi đầu tư trung hạn đến 2020 phải phân bổ hết”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, cũng cho rằng cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần giá đền bù thống nhất từ đầu, tránh nguy cơ tăng chi phí, khiếu kiện người trước, sau.  

“Tuy nhiên, tôi băn khoăn lấy đâu 23.000 tỷ đồng chưa nói đến 300.000 tỷ đồng để xây dựng dự án Long Thành. Tờ trình Chính phủ nói rõ lấy 5.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn, 4.000 tỷ đồng sẽ thu từ tiền của thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất dự án tái định cư; 1.000 tỷ đồng thu từ cho thuê mặt bằng thương mại dịch vụ; 500 tỷ đồng thu từ thương mại dịch vụ chưa sử dụng. Tổng số này mới có 10.500 tỷ đồng. Vậy còn thiếu 12.500 tỷ đồng, Chính phủ lấy ở đâu?”, đại biểu Cường đặt câu hỏi.

Tiết kiệm 1% chi thường xuyên 2 năm sẽ có tiền

Đại biểu Phạm Minh Chính, đoàn Quảng Ninh, hiện là Trưởng Ban tổ chức T.Ư tán thành với ý kiến, giải pháp của Chính phủ đưa ra nhưng băn khoăn nguồn vốn lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng để triển khai dự án này.

Đại biểu Chính cho rằng để có tiền triển khai, có thể nghiên cứu 2 giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ có thể nghiên cứu trình Quốc hội xin cơ chế đặc biệt giải phóng mặt bằng, tái định cư. Phương án thứ 2 là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

“Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, biên chế không giảm mà tăng, chi tiêu thường xuyên tăng lên 63,2% năm 2015 và 65,7% năm 2016, dự kiến 2017 là 64,9%”, ông Chính phân tích.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính, đoàn Quảng Ninh, Trưởng Ban tổ chức T.Ư.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương tính toán, tăng tuyệt đối 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng.

“Như vậy riêng 2017 ta tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi đã có trên 10.000 tỷ đồng. Năm 2018 tiết kiệm 1% sẽ có trên 20.000 tỷ đồng. Muốn thế phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39. Cứ loay hoay thì chính bản thân chúng ta giảm biên chế, đầu mối 2 năm là đủ vốn”, ông Chính đánh giá.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Chính, đại biểu Đặng Hồng Phong, đoàn Bến Tre, cho rằng để có tiền triển khai dự án này, Chính phủ cần có cơ chế huy động theo hướng giảm chi thường xuyên, giảm biên chế tổ chức bộ máy là đúng. Ngoài ra, Chính phủ cần giảm chi thêm nhiều lĩnh vực khác để tăng cường thêm nguồn lực.

Riêng về triển khai dự án, đại biểu Phong cho rằng Chính phủ chưa thực sự nghiêm túc, 2 năm rồi vẫn đang lựa chọn kiến trúc.

“Hăng hái trong xin chủ trương nhưng rất chậm chễ triển khai dự án. Liệu còn bao nhiêu dự án thành phần nữa sẽ tách ra, chưa có động thái tích cực huy động các nguồn vốn?”, đại biểu Phong băn khoăn.

Đại biểu Phong cũng đề nghị tách nhưng như vậy thì không đúng tính thần của Nghị quyết 94. “Trách nhiệm báo cáo hàng năm, Chính phủ cũng không làm khi Chính phủ trình ra lại phải thay đổi rất nhiều thứ. Đáng lẽ Nghị quyết này Chính phủ phải nghiêm túc thực hiện, đằng này chậm thực hiện lại xin Quốc hội Nghị quyết khác để thay thế”, đại biểu Phong nêu quan điểm.