Chiều nay, ngày 8.6, sau khi nghe ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã có ý kiến giải trình về dự án này.
Bộ trưởng Nghĩa nhấn mạnh quan trọng của dự án và đã được thông qua từ năm 2015. Trong nội dung của Nghị quyết 94 cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo khả thi, báo cáo hàng năm.
“Riêng nội dung giải phóng mặt bằng, báo cáo thường kỳ cuối năm trước đã báo cáo Quốc hội về việc xin cơ chế đặc thù cho di dân tái định cư. Về chủ trường thì chúng tôi đang bàn bạc”, bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa (Ảnh: Đàm Duy)
Về việc thực hiện sửa và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Trưởng ngành Giao thông cho biết việc xây dựng dự án nâng cấp để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lên 25 triệu khách ở phía Bắc hoàn toàn không khả thi. Do đó đã chọn phương án khả thi nhất là xây dựng thêm nhà ga T4 với 14-15 triệu khách, đường băng xong trước tết năm 2018, nhà ga sẽ xong trong năm 2019 và đến năm 2020 thì đạt công suất trần.
“Vì vậy, việc xây dựng sân bay Long Thành là phương án bắt buộc phải thực hiện”, bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Riêng về lo lắng nguồn tiền thực hiện dự án, bộ trưởng Nghĩa cho biết theo Nghị quyết 94, dự án sân bay Long Thành sẽ huy động từ nhiều nguồn như ODA, xã hội, ngân sách, cổ phần hoá doanh nghiệp. Việc giải phóng mặt bằng chỉ có thể sử dụng ngân sách.
“Giai đoạn giải phóng mặt bằng chúng ta phải sử dụng vốn ngân sách và Nghị quyết 94 cũng đã nêu không thể huy động được vốn ODA và tư nhân”, bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Thực tế, dự án sân bay Long Thành được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Việc xây dựng nhà ga sẽ do tư nhân thực hiện không còn mới mẻ nữa. Ví như nhà ga T2 mới ở Đà Nẵng, nhà ga Nha Trang đang xây dựng hay sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh)... Đây toàn bộ là vốn tư nhân. Vì vậy, sân bay Long Thành sẽ theo hướng PPP (đối tác công tư).
“Để đầu tư toàn bộ sân bay Long Thành bằng ngân sách là rất khó khăn, nhưng để thu hút nhà đầu tư chúng ta phải có sự chuẩn bị, cụ thể là thực hiện giải phóng mặt bằng”, bộ trưởng Nghĩa phân tích.
Bộ trưởng Nghĩa cho biết dự án có thể phải đồng hành với sân bay Long Thành là đường cao tốc 43 km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành.“Đây là cơ hội lớn cho TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Báo cáo khả thi sẽ tiếp cận ngay để khai thác quỹ đất. Phải tiếp cận bởi nếu không chúng ta bỏ tiền ra xây sân bay nhưng khai thác hiệu quả đất sẽ thấp”, bộ trưởng Nghĩa phân tích.
Về các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, bộ trưởng Nghĩa hứa sẽ tiếp thu và thực hiện hoàn thiện bổ sung vào báo cáo sắp tới trình Quốc hội. Nếu dự án này được thông qua, Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện đến cùng và sẽ thường xuyên báo cáo Quốc hội.