Theo đó, đề thi gồm 2 phần với 7 câu hỏi. Phần 1 xoay quanh bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương. Ở câu 1, thí sinh chỉ cần “thuộc thơ” là giành trọn 1 điểm. Câu 2 yêu cầu hiểu ý nghĩ bài thơ thể hiện qua cách miêu tả của tác giả và câu 3 là câu nghị luận, yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm, hiểu biết cá nhân về quan niệm: Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi con người.
Phần 2 xoay quanh tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân, một tác phẩm quen thuộc và “trúng tủ” với nhiều thí sinh.
Đề thi khiến các em thấy... ngọt ngào (Ảnh T.A)
Là một trong những thí sinh ra đầu tiên ở địa điểm thi trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), em Nguyễn Phương Thảo cho biết: “Lúc đầu đọc đề văn em đã rất... xúc động. Nhất là với câu hỏi liên quan đến tình yêu thương và hạnh phúc. Lúc đó, em nghĩ ngay đến gia đình em, đến việc em may mắn như thế nào khi được sống trong một gia đình hạnh phúc có bố mẹ luôn yêu thương, có anh trai luôn quan tâm chăm sóc mình. Em nghĩ đến những đứa bạn trẻ mồ côi cha mẹ, không được sống trong tình thương thật bất hạnh. Em thấy đề văn rất... ngọt ngào”.
Trong khi đó em Trần Thị Nhung – cựu học sinh trường THCS Xuân La (Bắc Từ Liêm) vui mừng cho biết mình đã “trúng tủ” phần 2 về tác phẩm “Làng”: “Mấy hôm trước thi vào trường THCS chuyên sư phạm em đã thi vào tác phẩm này nên lần này thi lại đã được “tập duyệt” nên thấy khá dễ thở. Tác phẩm cũng hay, câu hỏi gợi mở. Em làm được 5 trang giấy”.
Thí sinh tại trường THPT Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh Tùng Anh)
Cùng nhận định, nhiều học sinh cũng cho rằng, đề văn có tính liên tục từ câu 1 đến các câu hỏi sau. Nếu như không làm được câu 1 thì các câu hỏi sau đó cũng không làm được. Ví dụ ở phần câu 2 liên quan đến tác phẩm “Làng”, đề bài trích dẫn đoạn văn và yêu cầu học sinh cho biết đoạn văn thuộc tác phẩm nào, của ai, nêu hoàn cảnh ra đời, sau đó mới đến phần phân tích. Tương tự, phần 1 cũng yêu cầu học sinh phải thuộc đoạn thơ, viết ra các câu thơ liên tiếp rồi mới đến hiểu đoạn thơ.
Chị Nguyễn Thu Dung – phụ huynh học sinh có con học tại trường THCS Cầu Giấy cho biết: “Thấy con ra khỏi phòng thi vẻ mặt phấn khởi cũng đoán con làm được bài. Còn chiều nay đề toán nữa không biết thế nào. Suốt mấy tháng nay con ôn thi, cả nhà căng như dây đàn. Ngay từ việc chọn trường, chọn nguyện vọng cũng phải nâng lên hạ xuống không biết bao nhiêu lần. Đúng là thi vào lớp 10 còn căng hơn thi đại học rất nhiều”.