Dân Việt

Cơ hội xóa sổ sốt xuất huyết

23/09/2011 15:20 GMT+7
(Dân Việt) - Cho đến nay, sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccin phòng chống. Sự kiện ngày 20.9, 20 trẻ em ở Tiền Giang tự nguyện tiêm thử nghiệm loại vaccin phòng SXH mở ra một cơ hội lớn “xóa sổ” căn bệnh lâu nay được coi là bất trị này…

Bác sĩ Nguyễn Thị Như Mai – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn bộ phụ huynh và các trẻ em tham gia chương trình đều được Viện Pasteur TP.HCM tư vấn rất kỹ càng qua nhiều giai đoạn. Và tất cả đều tự nguyện tham gia.

img
Trẻ em mắc SXH đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.

Ở ĐBSCL, Tiền Giang và An Giang là 2 địa phương được chọn tham gia nghiên cứu thử nghiệm vì ở 2 tỉnh này, dịch SXH lưu hành triền miên, chưa có thuốc đặc trị. Theo thống kê, có những năm số ca mắc SXH ở Tiền Giang lên tới gần 13.000 trường hợp.

“Lâu nay việc phòng chống chỉ tập trung ở khâu diệt muỗi và lăng quăng - tác nhân gây SXH nhưng hiệu quả khá thấp. Chúng tôi hy vọng vaccin này sẽ là công cụ hữu hiệu để chống lại bệnh dịch này” - bác sĩ Mai nói.

Theo chương trình, có 934 trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 14 ở Tiền Giang tham gia nghiên cứu tiêm vaccin phòng SXH thử nghiệm. Chương trình được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 9.2011 đến tháng 5.2016. Mỗi trẻ tham gia thử nghiệm được tiêm 3 mũi vaccin (6 tháng tiêm một mũi). Đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 20.9 này và sẽ kéo dài đến hết tháng 11.2011.

Nhiều phụ huynh ở TP.Mỹ Tho cho biết, họ nhận được các tờ rơi nói về chương trình này từ lâu. Nhưng họ cũng rất phân vân bởi lo lắng về những tác dụng không mong muốn của loại vaccin chưa từng được sử dụng này.

Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh Tiền Giang lại hoàn toàn tin tưởng vào cuộc thử nghiệm lần này. Theo bác sĩ Lê Đăng Ngạn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, vaccin này đã được Công ty Sanofi Pastuer (Pháp) nghiên cứu suốt 20 năm qua. Sau khi thử nghiệm an toàn trên động vật, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu thử nghiệm trên người.

Bước 1, thử nghiệm an toàn trên người đã thực hiện tại nước ngoài. Bước 2, thử nghiệm để xem khả năng sản sinh miễn dịch của vaccin cũng đã được thử nghiệm tại An Giang vào năm ngoái và thu được những kết quả khả quan. Bước thứ 3 là bước đánh giá hiệu quả của vaccin được thử nghiệm ở Tiền Giang là hết sức an toàn.

“Khi tiêm vaccin, các em sẽ có thể gặp các nguy cơ như khó thở, tụt huyết áp nhưng rất hiếm. Ngoài ra các em có thể có triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ… hệt như khi tiêm những loại vaccin đang lưu hành. Những tác động này được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ” - bác sĩ Mai nói.