Dân Việt

19 lao động Việt Nam: Sống dở, chết dở nơi đất khách

23/09/2011 07:14 GMT+7
(Dân Việt) - 19 lao động Việt Nam được Công ty cổ phần Phát triển Việt Thắng (VTC) đưa đi làm việc tại Ả rập Xê út vừa có đơn kêu cứu về việc họ đang sống trong cảnh "ba không”: Không việc làm, không lương, không lương thực.

Theo hợp đồng ký kết với Công ty VTC, 19 lao động Việt Nam được nhận vào làm việc tại Công ty Hadari thuộc thành phố Buraidah - Al Qassim (Ả Rập Xê Út) với công việc: Lái máy xúc đào, máy san, máy xúc lật… Mức lương lao động được hưởng 1.300 riat /tháng. Tuy nhiên, đến ngày 21.9, tất cả lao động đều đã nghỉ việc.

img
Người nhà lao động đang làm đơn kêu cứu.

Trong đơn kêu cứu gửi về nước, các lao động cho hay: 19 lao động đang không có công ăn việc làm như trong hợp đồng, kèm theo đó là không lương, không có tiền ăn hàng ngày. Các lao động đang phải lang thang nơi đất khách quê người, không biết bám víu vào ai.

Theo lời các lao động, thời gian làm việc của họ rất căng thẳng: Ngày nào cũng phải dậy từ 4 giờ sáng và trở về nhà lúc 20 giờ. Trung bình mỗi ngày các lao động phải làm việc 10 tiếng. Nhưng thực tế chỉ được chấm công 6- 8 giờ/ngày.

Qua điện thoại, lao động Nguyễn Đức Tâm (Quốc Oai, Hà Nội) bức xúc: “Trên công trường, chúng tôi thấy mình giống như nô lệ bị đưa đi lao động khổ sai. Đi vệ sinh, khát nước đều bị cắt tiền không cần một lý do giải thích. Để xin được chữ ký chấm công, có khi tìm gặp được quản lý, họ bắt chúng tôi quét nhà, rồi mới chịu ký”.

Còn anh Lê Văn Nam (quê Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: “Để được sang Ả Rập làm việc, tôi phải vay mượn họ hàng hơn 40 triệu đồng. Máy móc chưa được học bao giờ, nhưng người của Công ty VTC nói, sang bên đấy, chủ lao động sẽ bổ túc tay nghề thêm, nên tôi mới đi. Nếu biết trước, họ yêu cầu tay nghề khắt khe, tôi chẳng dại gì bỏ từng ấy tiền để rồi ra về tay trắng”.

Theo lao động Nguyễn Đức Tâm: “Hiện các lao động vô cùng khó khăn. Tiền hết, không có gì ăn, anh em phải ra hồ bắt cá về nấu cháo cầm hơi”.

Thông tin chúng tôi có được, 19 lao động đã gửi đơn đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Cục Quản lý lao động bày tỏ nguyện vọng, mong muốn Công ty VTC nhanh chóng hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, đưa tất cả lao động về nước càng sớm càng tốt.

Về phía VTC, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Trực hứa hẹn sẽ đảm bảo tiền ăn trong thời gian chờ đợi giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời, cam kết có trách nhiệm làm việc với đối tác và chủ sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề về lương và công việc cho người lao động trong thời gian sớm nhất có thể.