Đất đỏ: Diện tích khoảng 3 triệu ha, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, một phần ở miền núi phía Bắc. Hình thành từ đá macma, đá bazan và đá vôi. Tầng đất mặt phong hóa dày, cấu trúc tốt, độ xốp cao, pH tương đối chua, tích lũy nhiều chất sắt và nhôm nên có màu nâu đỏ hoặc nâu vàng. Đây là loại đất quý ở nước ta, thích hợp phát triển nhiều cây lâu năm có giá trị như cà phê, hồ tiêu, chè, cao su, cây ăn quả. Trong biện pháp canh tác chú ý bón lân, kali và vi lượng, chống xói mòn.
Đất khỏe... chuối cũng khỏe. |
Đất phèn: Diện tích khoảng 1,8 triệu ha. Phân bố ở một số tỉnh đồng bằng Nam Bộ (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang) và một số tỉnh Bắc Bộ (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định). Hình thành từ đất phù sa bồi tụ có nhiều xác hữu cơ trong điều kiện đất trũng, khó thoát nước, điển hình là vùng Đồng Tháp Mười.
Đặc điểm chính là có hàm lượng chất hữu cơ cao, vừa mặn lại vừa chua, chất dinh dưỡng dễ tiêu ít. Thích hợp cho trồng lúa và các cây chịu phèn như dứa, khoai mỡ, sắn, điều, tràm… Cần có biện pháp cải tạo để sử dụng đất phèn có hiệu quả hơn. Vấn đề chủ yếu là tháo chua rửa phèn bằng hệ thống thủy lợi, chú ý bón vôi và lân (loại phân không chua), đất chưa trồng lúa được thì trồng các cây chịu phèn.
Đất mặn: Diện tích khoảng gần 1 triệu ha. Đây là nhóm đất mặn vùng ven biển, do ảnh hưởng của nước biển mặn. Đặc điểm chính là hàm lượng muối NaCl trong đất cao, thường trên 0,25%. Cây trồng vùng này chủ yếu là sú, vẹt, kết hợp nuôi tôm và thủy hải sản. Cải tạo đất mặn phải làm giảm tổng số muối tan xuống đến mức bình thường (dưới 0,2%), bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, dần dần làm cho đất có kết cấu. Các biện pháp cần tiến hành là làm thủy lợi, bón phân và cơ cấu cây trồng, trong đó thủy lợi là biện pháp hàng đầu.
Ngoài các loại đất chính trên còn một số loại đất khác như đất cát, đất đầm lầy và than bùn, đất đen...
Việt Nam có 31 triệu ha đất, trong đó các nhóm đất phù sa, đất xám và đất đỏ chiếm trên 90% diện tích, giữ vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Đất Việt Nam phần lớn từ chua đến rất chua, hàm lượng chất hữu cơ thấp, quá trình tích lũy sắt và nhôm mạnh, chất lân bị giữ chặt, hàm lượng dinh dưỡng thấp. Trên 50% diện tích có chất lượng xấu cần cải tạo.
Muốn phát triển nông nghiệp cần chú ý bảo vệ, bồi dưỡng và cải tạo đất trồng. Bởi từ đất đã sinh ra biết bao mùa vụ tươi tốt, nuôi sống con người. Thật là không sai khi nói: “ Đất là tài nguyên vô cùng quý giá!”.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa