Dân Việt

Đừng làm hàng bẩn rồi khẩn Trời, Phật

Hoàng Lan 10/06/2017 07:00 GMT+7
Tôi thấy Mỹ quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) rất hay, bằng hàng rào kỹ thuật nên tôi học hỏi và điều chỉnh để có thể áp dụng với điều kiện của Việt Nam.

Bà vừa từ EU trở về. Bà cũng từng đi Mỹ. Sau thảm hoạ môi trường do Formosa, nhiều người nói rằng, mang thực phẩm (xách tay) vào Mỹ vốn đã khó giờ còn khó hơn. Có phải luật EU dễ hơn Mỹ hay chuẩn mực của ta gần với EU hơn Mỹ?

- Tôi đi Mỹ trước khi bùng nổ thông tin về Formosa. Lúc xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh, tự nhiên có con chó cảnh sát phi thẳng tới chỗ tôi đánh hơi. Cô cảnh sát hỏi tôi có mang đồ tươi sống à? Lục lọi một lúc mới phát hiện ra cái vỏ quýt bỏ quên trong balô từ hơn một tuần trước đó để đỡ say xe. Cái vỏ quýt chỗ vàng chỗ xanh, chỗ thì khô queo. Lấy nó ra xong, cô cảnh sát đánh dấu vào phiếu. Thì ra, họ có hẳn danh sách mấy món tươi sống và một số sản phẩm không được mang vào Mỹ. Tôi đoán nguyên nhân chính là những món được liệt vào danh sách liên quan đến an ninh sinh học. Vấn đề này EU và Mỹ kiểm soát theo các kiểu khác nhau, nhưng cả hai đều tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro, không thể nói EU dễ hơn Mỹ. Thực ra hàng rào kiểm dịch ở Mỹ khó lắm. Cần nói thêm, từ khi có sự cố Formosa, FDA đòi hỏi các sản phẩm thuỷ hải sản từ Việt Nam vào Mỹ phải khai báo thêm về nguồn gốc khai thác, thời điểm thu hoạch.

img

Bà Nguyễn Kim Thanh: nếu mua được chứng nhận, thì lỗi của cả nhà sản xuất và tổ chức chứng nhận, còn tiêu chuẩn chứng nhận vô can. Làm sao thay đổi điều này, tôi nghĩ họ biết rất rõ. Ảnh: Đỗ Khuê.

Tôi thấy Mỹ quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) rất hay, bằng hàng rào kỹ thuật nên tôi học hỏi và điều chỉnh để có thể áp dụng với điều kiện của Việt Nam.

“Hàng rào” đó nói lên điều gì, thưa bà?

- Hàng rào nói lên luật định và cách bảo vệ người tiêu dùng. Các nước chú trọng tính an toàn của sản phẩm vì đây là yêu cầu đầu tiên, là yêu cầu luật định nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Họ đòi hỏi chất lượng, bao gồm ba đặc tính: ATTP, các đặc tính của sản phẩm mà người tiêu dùng quan tâm hoặc yêu thích (tính khả dụng), và giá sản phẩm (hay tính kinh tế).

Mối nguy luôn hiện diện trong thực phẩm. Do vậy, công việc của nhà sản xuất là nhận diện chúng một cách đầy đủ, đánh giá theo mức độ ảnh hưởng đối với người sử dụng và khả năng xảy ra để giữ chúng ở mức an toàn. Nếu nhà sản xuất mất kiểm soát đồng nghĩa với việc đánh mất lòng tin ở khách hàng, mất tính hợp pháp của sản phẩm và dĩ nhiên là mất thị trường. Nhà sản xuất sẽ mất ăn mất ngủ, ngày đêm cầu Trời khẩn Phật cho người dùng bình an. Khổ tâm không?

Những quy chuẩn theo luật định đã tạo quyền lực cho các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp vốn đã quen tuân thủ quy chuẩn nhà nước trong làm ăn. Theo bà, tiêu chuẩn tự nguyện (hay tiêu chuẩn hiệp hội) ở nước ta chắc khó phát huy theo kiểu tín thác công-tư?

- Lợi ích của hợp tác công-tư ở Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ. Cứ nhìn vào mức độ phổ biến của các tiêu chuẩn tự nguyện như BRC, IFS, ISO/FSSC 22000, GlobalGAP… sẽ hiểu. Những tiêu chuẩn tự nguyện không phải do luật của nước sở tại áp đặt, mà là do chính các nhà phân phối, bán lẻ, nhập khẩu yêu cầu. Các tiêu chuẩn này trước hết dựa trên sự phù hợp với luật định về ATTP và các vấn đề có liên quan (môi trường, sử dụng lao động). Nhà bán lẻ, phân phối của mình còn hời hợt quá nên thấy khó. Chỉ khi nào áp lực thị trường đủ lớn thì mới tạo ra sự thay đổi.

Nhà nước có lợi gì khi chấp nhận vai trò, tiêu chuẩn hiệp hội?

- Nhà nước sẽ được chia sẻ gánh nặng đảm bảo ATTP cho xã hội. Để tiêu chuẩn hàng Việt Nam được các nước chấp nhận, tôi nghĩ phải có sự tham gia của cả Nhà nước lẫn hiệp hội. Về phía hiệp hội cần phải đàm phán với các tổ chức ban hành tiêu chuẩn tự nguyện quốc tế và đưa ra lộ trình tiến tới công nhận tương đương. Đây là thách thức rất lớn, ít có hiệp hội đủ năng lực; nhưng nếu làm được việc này tôi nghĩ sẽ thuận lợi cho các bước tiếp theo.

Có quá nhiều tổ chức chứng nhận, nhưng hàng hoá vẫn bị trả về, nằm trong danh sách đen… nhưng đâu có cơ quan chứng nhận nào đứng ra chịu trách nhiệm dù phí kiểm định, chứng nhận. Nhiều chứng nhận quy trình bị nghi ngờ về giá trị. Vậy làm thế nào để tạo lòng tin?

- Hỏi câu này đụng chạm quá! Tổ chức chứng nhận chỉ tới doanh nghiệp vài ngày và việc chứng nhận chủ yếu cho hệ thống đảm bảo ATTP phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc vận hành hệ thống đó cuối cùng vẫn thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. Tôi không nghĩ chứng nhận bị nghi ngờ, mà là thái độ và trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn mà họ đang áp dụng mới là điều đáng nghi ngờ. Nếu mua được chứng nhận, thì lỗi của cả nhà sản xuất và tổ chức chứng nhận, còn tiêu chuẩn chứng nhận vô can. Làm sao thay đổi điều này, tôi nghĩ họ biết rất rõ.

Khi ban hành bộ tiêu chuẩn tự nguyện hay tiêu chuẩn hiệp hội, ngoài việc áp dụng các quy trình, cần phải có các biện pháp đảm bảo sự minh bạch, có kênh tiếp nhận phản hồi từ phía thị trường, và quan trọng phải có lực lượng thực hiện các kiểm soát phòng ngừa. Doanh nghiệp Việt đã nhiều lần uống “thuốc đắng” mà có “dã tật” đâu! Có lẽ họ uống chưa đủ liều.

Bà có thể cho một ví dụ về mô hình có triển vọng tín thác tại Việt Nam?

- Tiêu chuẩn HVNCLC – Hội nhập là một ví dụ. Tiêu chuẩn này đang được hội DN.HVNCLC hoàn thiện phần “nền móng”, vậy mà không ít doanh nghiệp rên dữ lắm, vì tiêu chuẩn yêu cầu đảm bảo ATTP phải được duy trì suốt chuỗi cung ứng.

Với năng lực hiện tại của đa số nhà sản xuất thực phẩm trong nước, nhanh lắm cũng phải năm năm, khi nhận thức của nhà sản xuất trong nước được nâng cấp về ATTP. Dù khó nhưng phải làm để sản xuất kinh doanh trong nước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.