Năm 2015, sau đại hội cổ đông, Phạm Duy Hiếu bất ngờ xin từ chức khi hoạt động kinh doanh của ABBank vẫn đang phát triển tốt. Tính đến hết ngày 31.3.2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 60.884 tỉ đồng; tổng dư nợ đạt 39.381 tỉ đồng; tổng huy động đạt 54.199 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 93 tỉ đồng…
Cuộc chia tay hạnh phúc
Hiếu giải thích với nụ cười rạng rỡ: “Đời tôi có nhiều lần rẽ, thay đổi công việc lắm, có cái khác là lần thay đổi sau cùng, đó là rời khỏi vị trí CEO ABBank”. Những lần rời đi trước Hiếu không ở trong trạng thái vui vẻ, mà là không hài lòng với lãnh đạo cấp trên, bị tổn thương. Anh thấy anh là nạn nhân của một sự việc nào đó… Rời ABBank là điều hy hữu, nước mắt rơi rất nhiều trước tình cảm của mọi người. Chủ tịch HĐQT ABBank còn tổ chức một lễ tri ân khiến Hiếu có cảm giác vô cùng hạnh phúc. Anh nói: “Tôi yêu ABBank lắm, giống như chàng trai yêu cô gái mà lại quyết định rời bỏ…”.
“Trong người ta luôn có hai con chó đánh nhau, con chó trắng là yêu thương, giúp đỡ, nhân văn, lòng trắc ẩn, con chó đen là nghi kỵ, sợ hãi, sân si… vậy cuối cùng con chó nào thắng? Con chó nào mình cho nó ăn nhiều hơn!” – Phạm Duy Hiếu.
Điều kỳ lạ ở đây là mong muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp phải được nuôi dưỡng và duy trì từ chính những con người cụ thể trong từng dự án cụ thể. Tuy vậy, để giấc mơ trở thành hiện thực không chỉ cần niềm tin mà phải có thực tế và hành động đúng cách. Con đường lập nghiệp có vô vàn thử thách, đòi hỏi nhà sáng lập phải có người đồng hành. SVF muốn rút ngắn con đường đi đến thành công của các bạn startup.
Hiếu muốn xây dựng một chương trình khởi nghiệp theo cách rất riêng, quy tụ và xây dựng thế hệ doanh nhân tử tế. Bắt đầu bằng mục đích cao quý thì sức sống của những startup sẽ thay đổi tâm thái. Nhiều nhóm đã quyết định thay đổi sau khoá đào tạo về Giá trị cuộc sống của SVF. Khoá học đến giờ này đã mang lại hạnh phúc cho khoảng 4.000 người Việt. Khoá học kéo dài chín tiếng đồng hồ, con người được trải nghiệm, rút ra điều gì thực sự quan trọng với mình, giúp cho cái nhìn về cuộc đời, về kinh doanh thay đổi, tìm thấy triết lý sống mà hàng ngày ta quên mất, như cái nhắc vai nhè nhẹ. Hạnh phúc là điều mỗi người luôn có sẵn bên trong mình, không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Con người sinh ra đã vui vẻ, nhưng dần dần điều này, điều kia không như ý, họ bắt đầu rời xa hạnh phúc. Nhiều người phải đi du lịch thật xa, mua chiếc xe hơi thật đắt tiền để tìm hạnh phúc, nhưng rồi niềm vui đó lại mau chóng tan đi…
Hạnh phúc như dòng suối chảy trong rừng, bị hòn đá chặn lại, nhiệm vụ của ta là nhấc tảng đá ấy ra, tự nhiên hạnh phúc sẽ tuôn chảy. Vấn đề là ta có cho phép nhấc tảng đá ấy ra không? “Sinh như chi, học như chi, khốn như chi”, có những điều sinh ra ta đã biết, có những cái nhờ học mà biết, có những cái phải đau khổ mới biết được. Hiếu nói: “Tinh thần khởi nghiệp mà tôi đang hỗ trợ là mang đến môi trường mà đáng lẽ trong cuộc sống người ta phải học bằng “khốn như chi”, thất bại, đau khổ, mất mát mới học được. Vì chính tôi đã từng trải qua “khốn như chi””.
Hiếu đã gặp được thầy Ipalawatte người Sri Lanka ở Singapore. Trong khoảnh khắc đặc biệt thầy đã giúp anh nhận ta điều gì thực sự quan trọng, giúp anh trả lời những câu hỏi lớn “Bạn là ai?”, “Bạn đến với cuộc đời để làm gì?” Đó là vào tháng 12.2014, khi Hiếu đang làm CEO ngân hàng ABBank, được rất nhiều người coi trọng, thoải mái về tài chính, tiền bạc, mối quan hệ xã hội tốt… nhưng không phải là điều anh thực sự mong muốn.
Trong người ta luôn có hai con chó đánh nhau, con chó trắng là yêu thương, giúp đỡ, nhân văn, lòng trắc ẩn, con chó đen là nghi kỵ, sợ hãi, sân si… vậy cuối cùng con chó nào thắng? Con chó nào mình cho nó ăn nhiều hơn! Tôi luôn tự quan sát bản thân mình đang làm cho con chó nào mạnh lên, để trở lại chính mình. Quan sát chính mình là chìa khoá để giúp mình rèn luyện cốt cách. Có người nào đó cho rằng phẩm chất, tính cách là không thay đổi, tôi muốn nhắn nhủ phẩm chất, tính cách là điều thay đổi được, và bạn là người có quyền năng làm được điều đó. Nếu cho con chó đen tham lam, tranh đoạt, việc xấu gì cũng dám làm để theo đuổi chức vụ, thì sẽ rơi vào khoảng tối thôi.
Tôi phát hiện ra sau này thức ăn mình cho con chó trắng nhiều hơn, để không bị cám dỗ, biết quan sát, nghiêm khắc với bản thân mình. Những bạn trẻ mê chơi game cứ nghĩ đó là vô thưởng, nhưng khi đã nghiện ngập sẽ không còn thời gian cho con chó trắng ăn nữa, trở thành kẻ đơn độc. Cũng có người phản bác, làm chó đen mới có thể giàu. Từ trải nghiệm, tôi nhận thấy giàu có đó không bền vững, không hạnh phúc. Mục đích của loài người là đi tìm hạnh phúc
Phải hiểu sứ mệnh cuộc đời là gì, sau đó mới hiểu quyền năng của sự lựa chọn. Hoá ra những lần thay đổi công việc trước đó Hiếu chỉ là con chó đen thôi, còn đầy oán trách, bị đá văng đi, không phải anh chọn, anh là nạn nhân thôi. Anh nói: “Còn quyền năng lựa chọn là trong lúc mình bình an nhất, tràn đầy tình yêu. Sự lựa chọn phải là do con chó trắng thực hiện”.
“Người bắc cầu”
SVF là nơi “đỡ đầu” cho dự án khởi nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ. Dồn hết tâm huyết cho mục tiêu phát triển con người, dù mới chỉ hai năm, Hiếu đã mời gọi được rất nhiều anh chị doanh nhân đi trước, các nhà khoa học, nhà sáng chế, chính trị gia… cùng ngồi lại để kết nối nguồn lực và nâng tầm giá trị công nghệ Việt Nam. Đến với SVF để phụng sự, cho đi, cống hiến cho một thế hệ thương lai, tinh thần đó đã được PGS.TS Nguyễn Thị Hoè, chủ tịch tập đoàn Sơn Kova biến thành hiện thực. Bà đã giúp đỡ, chia sẻ cho các bạn khởi nghiệp cả thời gian, tiền bạc, chuyên môn, các mối quan hệ… Cùng với bà là anh Huỳnh Trung Nam, chủ tịch HĐQT Imperial Group, người tài trợ đầu tiên cũng là người đỡ đầu cho quỹ khởi nghiệp này ra đời, kéo theo nhiều anh chị doanh nhân khác.
Trong người ta luôn có hai con chó đánh nhau, con chó trắng là yêu thương, giúp đỡ, nhân văn, lòng trắc ẩn, con chó đen là nghi kỵ, sợ hãi, sân si… vậy cuối cùng con chó nào thắng? Con chó nào mình cho nó ăn nhiều hơn! |
Nhận vào mình vai trò “người bắc cầu”, rất nhanh chóng SVF đã kêu gọi chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Thuỵ Sĩ, trở thành người bạn, đối tác của các vườn ươm khởi nghiệp trong các trường đại học. Tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, SVF đồng hành cùng BSA đi về các địa phương trong các chương trình Sáng tạo khởi nghiệp và Phiên chợ xanh tử tế, khu Công nghệ cao TP.HCM. Kết nối các đối tác quốc tế để bắc những cây cầu cho thị trường nước ngoài, giúp cho các bạn trẻ xây dựng kênh phân phối ở nước ngoài, và tìm kênh phân phối sẵn có ở bên đó để bắc cầu sang Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài thường xuyên thông qua SVF để tới Việt Nam lựa chọn sản phẩm. Hiện 80% danh mục hỗ trợ và đồng hành của SVF là các dự án nông nghiệp công nghệ cao như dự án trang trại nuôi thỏ sạch bằng ứng dụng công nghệ sinh học ở Tây Nguyên, dự án thu mua và chế biến các chế phẩm từ thanh long ở Tây Nam bộ, dự án chiết xuất tinh chất curcumin với công nghệ nano từ nghệ tươi ở phía Bắc. Các dự án này đang hoàn thiện công nghệ và thương mại hoá sản phẩm. Một tin vui nữa là thị trường Nhật Bản đã chấp nhận hai sản phẩm ở Việt Nam là xơ mướp làm thành sợi, khăn xơ mướp của một bạn ở Đồng Tháp và hoa sấy khô còn giữ nguyên màu sắc. “Quan điểm của tôi làm nửa cây cầu từ phía Việt Nam, nước ngoài họ làm nửa còn lại, để hợp long, còn xây nguyên cầu rất mệt cho cả hai bên. SVF đã đặt quan hệ với các lãnh sự quán và thiết lập thương mại với tám nước”, Hiếu cho biết thêm.
Hiếu thừa nhận anh có thái độ sống khởi nghiệp từ khi làm CEO ABBank. Khởi nghiệp đối với anh là dám làm chủ cuộc đời, có trách nhiệm với cuộc đời mình. Khi mới ra trường, anh chỉ ước mơ có công ăn việc làm ổn định, như rất nhiều người cùng lứa tuổi, nhưng không ai chỉ ra sau đó là gì? Càng sống, anh mới hiểu đằng sau đó là nỗi sợ, sợ không ai nuôi mình. Đó là dựa dẫm, là con chó đen. Hãy bước ra, làm chủ chính cuộc đời mình đi, giây phút đó mới có một tinh thần khởi nghiệp, xuất phát từ triết lý sống đó thôi. Hiếu đã mất bảy năm cuộc đời chỉ để dựa dẫm, đâu phải đùa.
Trước tình hình thành công ít, thất bại nhiều, Hiếu cho rằng vấn đề thành công liên quan đến cốt cách. Đằng sau thành công của một doanh nghiệp là sự ra đời, trưởng thành của một lãnh đạo. Đằng sau Vinamilk là Mai Kiều Liên, đằng sau REE là Mai Thanh… Tại sao phải lo lắng về phong trào khởi nghiệp? Bởi không có nhà lãnh đạo nào ra đời. Sự trưởng thành của mỗi cá nhân lãnh đạo kéo theo đội ngũ anh/chị ta đào tạo sẽ quyết định startup có ảo tưởng hay không? Có ước mơ chưa đủ, phải nỗ lực rèn luyện để trở thành học sinh xuất sắc trong trường đời. Ảo tưởng sẽ đi đến thái cực đẻ ra cả thế hệ trì trệ. Dám ước mơ nhưng phải biết rèn luyện.
“Người nào ảo tưởng là không am hiểu tiến trình. Họ quên mất là cần có bài học, cần thử và sai rất nhiều lần để trưởng thành”, Hiếu kết luận.