Dân Việt

Tăng huyết áp là bệnh phòng tránh được

Bài, ảnh Bình Yên 10/06/2017 06:00 GMT+7
“Trong vài năm gần đây ý thức bệnh tim mạch của người dân đã tăng lên, số người đi tầm soát sức khoẻ định kỳ để dự phòng hoặc phát hiện sớm bệnh tim mạch ngày một nhiều”, GS.TS Võ Thành Nhân, chủ tịch hội Tim mạch can thiệp TP.HCM, nói như thế bên lề hội nghị khoa học Tim mạch can thiệp 2017 tại TP Nha Trang, cuối tuần qua.

Ông nói: “Thực tế là số mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng tăng lên so với vài thập kỷ trước đây, nhưng điều này không rõ là do số người mắc bệnh thực sự tăng lên hoặc do người dân ý thức tầm soát bệnh tốt hơn nên bệnh được phát hiện nhiều hơn, cần điều tra dịch tễ học mới nói chính xác được”.

img

Bệnh viện đa khoa Kiên Giang là một trong những cơ sở phát triển tốt tim mạch can thiệp tại phía Nam.

Một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là tăng huyết áp. Vấn đề này ở nước ta ra sao?

- Năm 2008, viện Tim mạch quốc gia công bố tỷ lệ mắc tăng huyết áp trong dân số chung là 19,2%. Nhưng vào năm 2015, viện Tim mạch quốc gia kết hợp với hội Tăng huyết áp Việt Nam công bố tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người lớn là 46 – 47%. Tăng huyết áp là vấn đề sức khoẻ cộng đồng rất đáng quan tâm, vì tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem đây kẻ giết người thầm lặng dẫn đến đột quỵ não và nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch vành cũng là vấn đề tim mạch đáng quan tâm. Người dân cần nhận thức thế nào về bệnh này?

- Y học ngày càng xác định nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Trước đây người ta nghĩ tăng huyết áp và mỡ trong máu cao là yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhưng phát  hiện mới cho thấy đái tháo đường cũng là yếu tố quan trọng cần lưu tâm. Sau này, người ta thấy ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, nghĩa là người có mức lọc cầu thận dưới 60ml/phút, nguy cơ mắc bệnh mạch vành của họ cũng gia tăng. Vì thế, người ta xếp bệnh nhân mắc bệnh thận mạn là đối tượng có nguy cơ cao mắc các sự cố tim mạch.

Về tăng huyết áp, trước đây người ta nhấn mạnh vai trò của muối trong gây ra bệnh, nhưng sau này có ý kiến cho rằng đường nguy hiểm không kém gì muối. Điều này đúng không?

- Thật ra cái gì thái quá cũng đều bất cập. Đúng là có nhiều yếu tố gây ra tăng huyết áp, bên cạnh ăn mặn còn có việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá, thiếu tập luyện thể lực. Gần đây người ta nhấn mạnh đến vai trò của bệnh lý đái tháo đường, vì ở bệnh nhân đái tháo đường hơn mười năm tỷ lệ mắc bệnh mạnh vành gần như 50 – 60%. Vì thế có kết luận rằng, bệnh nhân đái tháo đường chính là một bệnh nhân mắc bệnh mạch vành chưa được chẩn đoán. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là điều này chỉ đúng đối với bệnh nhân bị đái tháo đường hơn mười năm, còn với người mới mắc vài năm hoặc người điều trị tốt thì dự hậu cũng sẽ tốt giống như người không mắc bệnh.

Không ít người cho rằng tăng huyết áp có yếu tố gia đình, hễ gia đình tôi có người mắc bệnh tăng huyết áp thì tôi sẽ mắc bệnh, không thể nào tránh được. Quan niệm này đúng không thưa giáo sư?

- Nhiều yếu tố gây tăng huyết áp trong đó có yếu tố gia đình. Nghĩa là trong nhà có người mắc bệnh tăng huyết áp thì khả năng mắc bệnh của thành viên khác trong nhà cũng sẽ cao. Nhưng cần lưu ý trong nhà ngoài yếu tố di truyền còn có yếu tố lối sống. Nếu mọi người trong nhà có thói quen ăn mặn như nhau, thì sớm hay muộn những người này cũng sẽ mắc tăng huyết áp.

Ở một số nước tỷ lệ mắc tăng huyết áp trong cộng đồng ngày một giảm, vì người dân ý thức được ăn mặn sẽ làm tăng huyết áp. Để có được điều này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngành y tế giáo dục người dân tập thói quen ăn lạt, tránh những thức ăn chứa nhiều muối. Làm được điều này ngay từ nhỏ thì lớn lên người ta cũng hình thành được thói quen ăn lạt, từ đó tỷ lệ mắc tăng huyết áp trong cộng đồng sẽ ngày một giảm.

Vậy tăng huyết áp là bệnh có thể dự phòng được?

- Đúng thế, phòng ngừa tăng huyết áp là điều có thể làm được chứ không thể nói có yếu tố gia đình, yếu tố di truyền là không thể tránh được. Có thể là với thời gian tôi cũng sẽ bị tăng huyết áp, nhưng nếu có ý thức thì đến 70 – 80 tuổi tôi mới bị; ngược lại, nếu không ý thức thì 40 – 50 tuổi tôi đã bị rồi. Có thể khẳng định, tăng huyết áp là bệnh có thể dự phòng được cũng như điều trị được.

Tim mạch học can thiệp nước ta phát triển vượt bậc những năm qua, nguyên nhân nào góp phần tạo ra điều này?

- Cách đây 20 năm nước ta chỉ có một trung tâm tim mạch can thiệp, vài năm sau là hai trung tâm, một ở Hà Nội và một ở TP.HCM. Nhưng đến thời điểm này thì số bệnh viện có tim mạch can thiệp gần như đã trải dài khắp nước, thậm chí ở TP.HCM, bệnh viện quận cũng làm được tim mạch can thiệp. Ở một vài địa phương như Đồng Nai, Cần Thơ không chỉ có một mà nhiều trung tâm tim mạch can thiệp. Có được điều này là nhờ sự phát triển của công nghệ, các ống thông ngày càng nhỏ, stent thuốc ngày một chất lượng, kỹ thuật can thiệp ngày một an toàn. Bên cạnh đó, chính sách chi trả của bảo hiểm y tế cũng khá tốt, giúp người dân tiếp cận được với điều trị kỹ thuật cao của tim mạch can thiệp.