Dân Việt

Gia tăng học sinh trầm cảm trong mùa thi

Diệu Linh 10/06/2017 06:00 GMT+7
Theo các chuyên gia y tế, cứ vào mùa thi (tháng 5 - 7 hàng năm), tình trạng học sinh nhập viện vì rối loạn cảm xúc lại gia tăng.

Học giỏi thành trò hư

Bệnh nhân Trương Quang Đ (16 tuổi, Bắc Giang) luôn là học sinh giỏi, bố mẹ rất tự hào và lấy con là tấm gương sáng cho con em trong dòng họ. Nhưng 2 năm gần đây, gia đình bỗng thấy Đ trở nên xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh. Đ lơ là và không muốn học nữa. Cháu sợ đi học, mở sách ra là cháu thấy như bị áp lực đè lên người nên hay bị đau đầu, bố mẹ động viên thì cháu bực tức khóc lóc. Kết quả học tập những năm gần đây giảm sút” - mẹ Đ cho biết. Gia đình nhận thấy cháu có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng, cháu thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy cháu bàng hoàng như qua cơn ác mộng. Cảm xúc cháu thay đổi, hay cáu giận vô cớ. Tại Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cháu Trương Quang Đ được các bác sĩ chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc trẻ em cần phải điều trị.

img

TS Nguyễn Văn Dũng đang tư vấn cho cha mẹ và bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc. Ảnh: BSCC

Để tránh con phải nhập viện vì học nhiều, cha mẹ cần hướng dẫn con chế độ học tập, vui chơi, dinh dưỡng, ngủ nghỉ cân bằng, trang bị cho con kỹ năng sống để đối phó với stress. Đồng thời, cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em”. 

TS Nguyễn Văn Dũng  

Theo TS Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần, ở trẻ em (dưới 22 tuổi) sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các cháu rất dễ bị tác động về mặt tinh thần nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này.

Như trường hợp bệnh nhân Đ được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Nhưng bố mẹ đâu biết rằng những mong mỏi quá cao đó đồng nghĩa với việc đã tạo cho các em một áp lực lớn. Theo TS Dũng, nhiều trẻ bị áp lực vì chạy theo sự thúc giục, ép buộc phải học giỏi, phải thi đỗ của bố mẹ, thầy cô. Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tạo áp lực cho mình. Các em luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút. Để đối phó với việc thức đêm, các em lại lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ dung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp.

Điều trị cả cha mẹ

“Trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ với những áp lực học và thi khiến các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như: Ăn kém, ngủ ít, cảm giác kiệt sức, lo lắng căng thẳng quá mức, suy nhược cơ thể” - TS Dũng chia sẻ.

Câu chuyện này cũng không lạ với bác sĩ Nguyễn Đăng Luyện - Phó Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1). Bác sĩ Luyện kể lại: “Không ít em kêu than bố mẹ thấy con học kém nên cứ ép con đi học thêm hết trung tâm nọ, thầy kia nhưng em càng học càng trì trệ. Lại có em cứ nhìn thấy sách là đau đầu, mệt mỏi. Có em thấy mình sắp phát điên vì đi ngủ cũng mơ thấy sách vở... Có em gái mới học lớp 11 đang chăm chỉ học hành lại cứ thích leo lên sân thượng ngồi một mình”. 

Còn theo bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I, nếu trẻ em bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc không được phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời có thể có các hậu quả nghiêm trọng hơn như tự làm đau bản thân (dùng dao cứa lên da thịt, dùng thuốc đang cháy dí lên tay chân, hoặc tự tử). Do đó, cha mẹ đừng cho rằng con buồn chán, mệt mỏi là do… dậy thì không thành công, tuổi “hâm hâm dở dở” mà nên tâm sự, chia sẻ với con. Nếu cần thiết phải đưa con đi khám.

“Đối với cha mẹ gò ép con học hành, luôn bắt con phải học giỏi, xuất sắc thì nên điều trị tâm lý cho cả cha mẹ. Mỗi trẻ có năng lực riêng, ngưỡng nhận thức riêng. Cha mẹ đừng nghĩ mình nuôi con toàn bằng sữa công thức, cho con học toàn thầy giỏi, giúp con ăn ngon, mặc đẹp là con sẽ học giỏi, sẽ thành tài. Chỉ khi cha mẹ hiểu và tự điều chỉnh suy nghĩ, không gây áp lực cho con, tôn trọng, yêu thương con thì đứa trẻ mới dần dần lấy lại được thăng bằng tâm lý” – bác sĩ Cương khuyến cáo.