Dân Việt

"Bỏ túi" hơn 500 triệu đồng/năm nhờ "anh Gúc Gồ"

Thúy Liễu 11/06/2017 06:10 GMT+7
Có 27 công đất, nhờ lên mạng Internet hỏi "anh" Google, ông Lê Văn Quyên, ngụ ấp Phương Hòa 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía, nuôi heo kém hiệu quả sang trồng cây có múi và chăn nuôi bò cho lợi nhuận hơn nửa tỉ đồng/năm

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Văn Quyên. Đây là một trong những nông dân chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang về nguồn thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.

img

Sớm nhận thấy nghề chăn nuôi heo gặp khó khăn, cách đây hơn 1 năm, ông Lê Văn Quyên đã dùng tiền bán cam xoàn và quýt đường để gây dựng đàn bò sinh sản, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Thúy Liễu.

Nhờ "anh" Google tư vấn

Ông Quyên đã mạnh dạn chuyển đổi vườn mía cho thu nhập thấp sang trồng cây cam và quýt hơn 3 năm nay và chuyển hướng nuôi heo hơi sang nuôi bò đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho gia đình.

Theo ông Quyên, hưởng ứng cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, ngoài việc thực hiện nếp sống văn hóa, ông còn suy nghĩ tìm ra các mô hình kinh tế nhằm góp phần cùng địa phương đạt tiêu chí thu nhập.

Ông Quyên tâm tình: “Gia đình tôi có 25 công đất, trước đây chuyên canh tác mía và loại cây trồng này đã gắn bó lâu đời cùng tôi. Thật tình mà nói thì cây mía đã góp phần lớn trong việc cải thiện kinh tế gia đình nhưng nguồn lợi nhuận thu về hàng năm khá thấp, vì theo đặc tính, cây mía trồng 1 năm mới thu hoạch, nếu gặp năm giá mía cao thì có lời kha khá, còn rớt giá thì bị lỗ”.

Cũng theo ông Quyên và bà con vùng này, so sánh với các loại cây trồng khác, canh tác cây mía cả 1 năm dài, trông chờ vào tiền bán mía để tiêu dùng, gặp năm mía bán lỗ thì xem như mất tiền sinh hoạt, phải vay mượn tiền để tiêu dùng trong năm đó.

Ông Quyên cho biết thêm: “Trước thực trạng trên, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây cam xoàn và quýt. Hai loại cây trồng này còn khá mới nên khi trồng cũng có nhiều lo lắng. Để cây cam, quýt phát triển tốt, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm những hộ trồng trước hay lúc rảnh rỗi lên mạng internet hỏi anh “Google” để tìm hiểu thêm thông tin về kỹ thuật trồng cây có múi, cũng như cách phòng ngừa các loại dịch bệnh tấn công ở các giai đoạn để cây luôn cho năng suất cao”.

Cũng nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chỉ sau 3 năm, vườn cam, quýt của gia đình ông Quyên bắt đầu cho lứa trái đầu tiên, với năng suất đạt khá. Theo đó, do năm đầu cây còn tơ nên số lượng trái chưa được nhiều, từ năm thứ 2, thứ 3 trở đi thì sản lượng trái rất cao, quân bình mỗi năm trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Quyên “bỏ túi” tầm 500 triệu đồng.

img

Cam xoàn là cây ăn trái đặc sản được gia đình ông Lê Văn Quyên trồng thay cây mía và cho lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Hiện tại vườn cam, quýt của gia đình ông Quyên đang “sung sức” nhất và dự đoán có thể sản lượng năm nay sẽ tăng nhiều hơn so với năm trước, dự kiến thu về số tiền khoảng 700 triệu đồng.

Con heo gặp khó chuyển qua nuôi bò

Chẳng những là hộ có mức thu nhập “khủng” từ chuyển đổi trồng mía sang trồng cam, quýt, ông Quyên còn chuyển từ chăn nuôi heo kém hiệu quả sang nuôi bò sinh sản và bước đầu khá thành công. Ông Quyên mời chúng tôi ghé thăm trại nuôi bò được xây dựng trên khuôn viên đất rộng phía sau nhà, xung quanh trồng nhiều loại cỏ khác nhau nhằm cung cấp thức ăn tươi cho bò.

Dùng đôi bàn tay nhẹ nhàng vỗ vào những con bò đang nhai cỏ trong chuồng, miệng nở nụ cười tươi, ông Quyên chia sẻ, chuồng bò này ông cải tạo lại từ chuồng nuôi heo, mấy năm trời nuôi heo toàn bị lỗ nên cảm thấy mất lòng tin vào con heo, sẵn có số tiền từ việc bán trái cây, ông mua luôn 9 con bò cái về nuôi. Đàn bò cái sau 1 năm đã sinh được 3 bê và hiện tại 5 con đang chuẩn bị sinh sản nữa.

"Nhẩm tính nếu đàn bê con nuôi 1 năm tuổi sẽ bán, thì tôi đã thu lại đủ số vốn ban đầu bỏ ra mua số bò mẹ nhưng tôi dự định sẽ chọn lại số bê mà bò mẹ sinh sản để tăng đàn với số lượng khoảng 15 bò cái sinh sản. Với số lượng như trên, khi đó tôi sẽ hướng đến thành lập trang trại nuôi bò sinh sản, bán bê làm giống hay nuôi bê đực vỗ béo bán bò thịt”, ông Quyên cho hay.

Ngoài ra, để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, phân bò khi thải ra, ông Quyên cẩn thận gom lại phơi khô dùng làm phân bón 11 công cỏ. Ngoài cho bò ăn hàng ngày, số cỏ dôi dư ông bán cho những hộ có nuôi bò kiếm thêm thu nhập. Theo dự đoán, thời gian tới chắc chắn rằng thu nhập của gia đình ông Quyên tăng lên đáng kể, khi có thêm đàn bò sinh sản bán bê con và bò thịt và dự tính số tiền bán bò, bán cam, quýt tầm 1 tỉ đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Phú Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết: “Toàn xã hiện có 3 gia trại chăn nuôi bò quy mô đàn từ 7 - 15 con, đây là những hộ mới chuyển hướng nuôi bò vì họ nhận thấy việc nuôi heo không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Đối với hộ ông Quyên thì mô hình nuôi bò lai sind bước đầu mang lại hiệu quả. Hướng tới đây, chúng tôi sẽ vận động người dân có điều kiện chuyển đổi các vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi bò theo Đề án chăn nuôi bò thịt tỉnh vừa triển khai. Song song đó, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất chất lượng và đặc biệt hướng hộ dân đến trồng các loại cây có múi vì đây là cây trồng cho kinh tế cao nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất theo chuẩn nông thôn mới quy định”.