Tàu 67 vừa hạ thủy đã hỏng khiến ngư dân Bình Định lao đao. Ảnh: NVCC
Mất 1 đến 3 tháng để thay máy mới
Chiều nay (10.6), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Nguyện- Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP Hồ Chí Minh) đã có văn bản đồng ý thay máy mới Mitsubishi cho ngư dân đóng tàu 67 bị hỏng máy tại Bình Định”.
Theo văn bản này, ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát cho hay: “Vừa qua, công ty chúng tôi có ký hợp đồng kinh tế với công ty TNHH MTV Nam Triệu về cung cấp 2 loại động cơ máy chính cho tàu thủy hiệu Mitsubishi có Model S6R2-MPTA công suất 940HP số lượng 4 chiếc, S6R-MPTA công suất 811HP (6 chiếc). Khi đưa vào sử dụng chúng tôi mới biết loại máy này không phù hợp với tàu cá của ngư dân”.
“Với trách nhiệm là đơn vị cung cấp máy, tôi cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu đã lắp đặt máy của chúng tôi, tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công trong vòng 1-3 tháng”- ông Phong khẳng định.
Tổ thẩm định kiểm tra máy hư hỏng cho ngư dân. Ảnh: Dũ Tuấn
Sự việc nhận trách nhiệm của công ty này đã khiến nhiều ngư dân và lãnh đạo tại Bình Định bất ngờ. Bởi lẽ, cách đây không lâu tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định (ngày 10.5), vị đại diện công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát đã liên tục khẳng định máy Mitsubishi là mới 100% và có ý đổ lỗi do ngư dân chưa biết sử dụng?.
Trước thái độ “ngang ngược” của vị đại diện đơn vị cung cấp máy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã phản rất ứng gay gắt.
“Nếu mình cung cấp máy tốt thì chẳng sợ ai cả. Tôi khẳng định, ông đang mị dân. Các ông lấy lý do thiết kế và thẩm định khác nhau để lừa dân chăng(?). Những việc tốt cho người dân không làm, lại đi lợi dụng sơ hở của dân. Như vậy là làm ăn không có đạo đức”- ông Châu khẳng định.
Thép "dỏm", máy không phải chính hãng!
Mặc dù, phía công ty đã cam kết thay máy mới, song một vấn đề mà ngư dân lo lắng hiện nay là, với vật liệu là thép dỏm phải xử lý thế nào?. Việc nhiều tàu 67 của ngư dân Bình Định đã bị công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thép Hàn/ hật bằng thép Trung Quốc không đúng với hợp đồng sẽ được xử lý thế nào. Việc làm thiếu trách nhiệm của công ty với con tàu trị giá gần 20 tỷ đồng ai sẽ chịu trách nhiệm. Theo các ngư dân, việc phải tháo thép đóng mới thì tốn rất nhiều thời gian, tổn thất nằm bờ, nợ ngân hàng ai sẽ đền bù cho ngư dân hay họ phải bỏ tàu để ôm đống hồ sơ kiện ra tòa?. Hiện nay, ngư dân và doanh nghiệp vẫn chưa thỏa thuận được trong khi đó số tiền nợ ngân hàng vẫn đang "giục" ngư dân trong nỗi lo.
Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “6 ngày qua, Tổ giám định của UBND tỉnh kiểm tra 18 tàu hư hỏng đã có được những kết quả ban đầu. Dự kiến ngày 20.6, sẽ báo cáo kết quả rộng rãi để tìm hướng giải quyết”.
Theo kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng (thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế. Chất lượng con tàu chưa đảm bảo và việc giám sát của chủ tàu chưa phù hợp.
Chuyên gia Hàn đang kiểm tra máy cho ngư dân Bình Định. Ảnh:D.T
Theo ông Hổ, cơ sở đóng tàu thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành bảo dưỡng không làm đúng theo hợp đồng với ngư dân. Đặc biệt, Sở NNPTNT vào xưởng đóng tàu kiểm tra giúp ngư dân thì phía cơ sở đóng tàu lại từ chối.
“Tỉnh Bình Định thẩm định tàu tốn rất nhiều tiền. Sau khi có kết quả của Tổ thẩm định, đề nghị cơ sở đóng tàu, nếu máy hư hỏng thì phải thay máy mới chứ không sửa, sơn chưa đúng quy trình phải sơn lại cho đảm bảo, thiết bị hàng hải chưa đảm bảo đề nghị các cơ sở dóng tàu sửa chữa. Đồng thời, phải bồi thường chuyến biển và trách nhiệm trả nợ ngân hàng do lỗi kỹ thuật từ cơ sở đóng tàu gây ra khiến ngư dân nằm bờ”- ông Hổ yêu cầu.
Bộ NNPTNT tạm đình chỉ tiếp nhận hợp đồng mới đối với 2 công ty Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Đối với 18 con tàu bị hư hỏng của tỉnh Bình Định, với trách nhiệm của mình thì Bộ NNPTNT hoàn toàn nhất trí với đề xuất UBND tỉnh. Bộ quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu để 2 cơ sở này có trách nhiệm cùng địa phương khắc phục sự cố lỗi của 18 con tàu. Những con tàu có vỏ bị gỉ sét do chất lượng thép không đúng theo hợp đồng thì cơ sở đóng tàu phải thay thép mới theo đúng hợp đồng. Với mẫu tàu không đảm bảo mới nguyên chiếc thì phải thay máy mới và 2 doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng địa phương khắc phục”. |