Sống bám bệnh viện
Bà Bùi Thị Vân (53 tuổi, quê ở Chí Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình) là 1 trong 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ sau chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cuối tháng 5 vừa qua. Bà được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để cấp cứu, điều trị và đã hồi phục. Trong buổi xuất viện, bà ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi thật xót xa cho 8 người bạn đã ra đi. Nhiều năm nay, chúng tôi cùng đồng cảm vì phải sống cuộc đời bệnh tật, xa nhà, cô đơn ở những nhà trọ nơi bệnh viện. Ấy vậy mà trời cũng không xót thương”.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Diệu Linh
Để phòng ngừa suy thận, người dân cần cảnh giác với các bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì… Cách kiểm soát hai quả thận tốt nhất chính là gia tăng vận động, ăn uống điều độ, tránh tăng cân béo phì, đi khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện những bất thường của sức khoẻ”. TS Nguyễn Hữu Dũng |
Bà Vân cho biết, 3 năm trước, bà được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu 1 tuần 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Từ nhà bà lên bệnh viện khá xa, sức khoẻ yếu và để tiết kiệm tiền đi lại, bà đành ở trọ gần bệnh viện. Bà và 3 chị em cùng suy thận khác thuê một căn phòng giá 1,2 triệu đồng, mang gạo từ quê lên và hàng ngày nấu cơm ăn bằng số tiền ít ỏi mà con cái trợ cấp. “May mà tiền viện phí đã được bảo hiểm y tế chi trả 100% vì thuộc diện người nghèo. Nhưng mà tiền trọ, tiền ăn, tiền thuốc men bồi bổ bên ngoài cũng tốn kém lắm” – bà Vân ngậm ngùi.
Bà Vân chia sẻ, bà không thể quên được cái ngày định mệnh, khi bà mới lọc máu được 30 phút thì bỗng rét run, nôn thốc nôn tháo, đau bụng đi ngoài. Xung quanh mấy phòng đều náo loạn, các bệnh nhân gần 20 người đều trong tình trạng như vậy, có người ngất xỉu ngay trước mắt bà. “Sau đó, tôi nghe có người chết cũng nghĩ lần này mình không được nữa rồi, may mà qua được. Nhưng còn nhiều anh chị em khác phận mỏng...” – bà Vân đau xót.
Bà Lê Thị Rấm (65 tuổi, Hoà Bình) cũng vừa thoát khỏi cơn nguy hiểm cùng bà Vân. Bà Rấm cũng đã chạy thận được 2 năm. Để thuận tiện cho việc điều trị, bà thuê nhà cạnh bệnh viện. Bà cũng thường xuyên phập phồng lo về sự sinh tử của mình, nhưng vẫn phải cố sống. “Ai phải lâm vào tình cảnh như chúng tôi mới biết sự sống quý giá đến nhường nào. Ở tuổi này, ai chẳng muốn gần con gần cháu, quây quần với xóm giềng nhưng bệnh nặng phải chịu. Còn được sống là chúng tôi còn cố gắng” – bà Rấm cho biết.
Chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Mai Ngọc Tiếp (43 tuổi, quê ở Lạng Sơn) cũng đã phải đi “biệt phái” khỏi nhà cả 10 năm. Mỗi tuần anh phải chạy thận 3 lần, sức khoẻ suy yếu nên không còn đi làm được nữa. Vợ anh vừa đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà, vừa chăm sóc con, chăm sóc chồng. Lúc đầu, anh thuê nhà gần bệnh viện sống một mình. Sau đó, vợ anh không yên tâm nên bồng bế cả con xuống Hà Nội, thuê nhà, buôn bán lặt vặt để chăm chồng. “Mọi việc từ kiếm sống đến ăn ở sinh hoạt đều một mình vợ tôi cáng đáng. Nhưng cô ấy vẫn bảo, tôi còn sống thì cô ấy và các con còn hy vọng, còn động lực. Vậy là mình lại cố gắng nỗ lực” – anh Tiếp nói.
Gia tăng bệnh nhân suy thận
TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo phải điều trị cả đời, có người đã 20-25 năm chạy thận nên nhiều người trong số họ phải “sống bám” quanh bệnh viện. Vì sức khoẻ của bệnh nhân thường yếu, đi lại tốn kém, tuần chạy thận 2-3 lần, mà chi cần bỏ một lần chạy thận là sức khoẻ suy sụp ngay nên trước đây, khi kỹ thuật chạy thận nhân tạo chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn, bệnh nhân thường thuê trọ quanh viện tạo thành từng xóm đông đúc. Nhưng hiện nay, khi kỹ thuật này được đưa về từng tỉnh, huyện thì các bệnh nhân chạy thận đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, do mất sức lao động nên ít người bệnh tìm được công việc phù hợp, cuộc sống khá khó khăn.
Chạy thận nhân tạo rất dễ xảy ra biến chứng, lại trên nền sức khoẻ bệnh nhân suy yếu nên biến chứng nào cũng nguy hiểm. "Có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và biến chứng nào cũng nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh, nếu cấp cứu không kịp, bệnh nhân rất có thể tử vong. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân trong suốt 3-4 tiếng lọc máu" - TS Dũng nhận định. TS Dũng chia sẻ, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ suy thận của người Việt ước tính 6-7% dân số (khoảng hơn 6 triệu người). Còn tính riêng bệnh nhân phải lọc thận khoảng 90.000-100.000 người. Mỗi năm có hàng chục triệu lượt bệnh nhân được lọc máu. Mỗi năm, số người suy thận tăng khoảng 8.000 ca và có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân suy thận này sau vài năm điều trị duy trì sẽ chuyển sang giai đoạn chạy thận nhân tạo.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, có rất nhiều bệnh mãn tính sau một thời gian điều trị không tốt, bệnh nhân bỏ điều trị, điều trị thất thường, không điều trị sẽ chuyển sang suy thận. Cụ thể như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, viêm cầu thận, thận đa nang, béo phì… Đáng chú ý, có không ít trường hợp suy thận do thói quen sử dụng thuốc tuỳ tiện, dùng quá liều, dùng thuốc đông dược trộn lẫn tân dược… Thuốc sẽ được bài trừ qua thận, dẫn đến tình trạng thận bị nhiễm độc do thuốc…
“Suy thận rất nguy hiểm, phải điều trị suốt đời. Do đó, người dân nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Nhất là những người có nguy cơ cao như huyết áp cao, gout, đái tháo đường. Những người đã mắc bệnh thì phải tuân thủ điều trị, tránh cho bệnh tiến triển nặng hơn phải chạy thận nhân tạo, ghép thận” – TS Dũng nhấn mạnh.