Dân Việt

5 “chạy” trong bản báo cáo của Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch

P.Thảo 12/06/2017 10:20 GMT+7
Những biểu hiện hạn chế trong việc xây dựng nếp sống văn hoá được Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện liệt kê trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội: đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh; lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm lan rộng; phổ biến các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội…

Theo chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội, ngày 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Bộ trưởng đã chuẩn bị 1 bản báo cáo về các nhóm vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội chọn cho phiên chất vấn này. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử là một nội dung trong các nhóm vấn đề đó.

img

Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại diễn đàn Quốc hội.

Một bộ phận cán bộ chỉ lo mưu lợi cá nhân, thu vén cho gia đình

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu nhận định khái quát, nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nâng cao văn hóa ứng xử. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu.

Cụ thể, người đứng đầu ngành văn hoá khẳng định, một số giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện mai một. Các giá trị đạo đức mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn về đạo đức, con người thời kỳ mới chưa được hình thành.

"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng" - Bộ trưởng nhìn nhận.

Biểu hiện khác, theo Bộ trưởng Thiện, đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh. Lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng. Thói dối trá, đạo đức giả, gian lận trong học hành, bằng cấp, các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội, làm ăn phi pháp, bất chính còn phổ biến.

Nhận xét tiếp theo là bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình với người cao tuổi, bạo lực gia đình với trẻ em vẫn xảy ra với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Tình trạng ly hôn ở vợ chồng trẻ tăng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thiếu gắn kết, bền chặt.

Phần hạn chế trong xây dựng nếp sống văn hoá, Bộ trưởng nêu nhiều biểu hiện cụ thể hơn.

Như, một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng; chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, coi nhẹ những giá trị tinh thần cao đẹp, dẫn đến vi phạm tư cách đảng viên, trách nhiệm công dân, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Lối sống thực dụng gây hại cho thuần phong mỹ tục

Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch lo lắng về việc xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong hoạt động văn hóa. Bệnh hình thức, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Vị tư lệnh ngành cũng chỉ ra những biểu hiện, đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang bị chi phối bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Tính cộng đồng dân cư “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần’’ bị rạn nứt. Xuất hiện hiện tượng vô cảm, bàng quang, thờ ơ không nhúc nhích trước nỗi đau do gặp hoạn nạn của con người trong cộng đồng đang gây nên những bức xúc trong xã hội.

Các yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và các giá trị văn minh mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn mực về đạo đức, lối sống của thời kỳ mới chưa được hình thành.

Đánh giá nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chưa thực sự gương mẫu. Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế; việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật chưa nghiêm, còn hình thức.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng nhắc đến việc xây dựng các khuôn mẫu hành vi cụ thể cho phù hợp với các giai tầng xã hội để dẫn dắt con người hành động với các giá trị đạo đức, lối sống cho phù hợp với đời sống thực tiễn.

Bộ trưởng cũng cho biết đang trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị về “Tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Bộ cũng trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh của cán bộ, công chức, viên chức trong việc cưới, việc tang”, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nếp sống văn minh.

Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, gia đình, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo để ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hoá ứng xử.