Nơi ấy, những người lính Sư đoàn 4, Quân khu 9 đang ngày đêm bám chốt giữ rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ hơn 4.000 ha rừng tràm ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Địa bàn quản lý rộng, quân số còn thiếu so với yêu cầu thực tế nên để giữ cho lá phổi xanh này không bị xâm hại không phải là chuyện đơn giản.
Phút nghỉ ngơi bên chiếc radio. |
Canh chừng thần lửa
Miền Tây Nam Bộ được chia thành hai mùa rõ rệt. Mỗi mùa có cái khó khăn riêng, nhưng cực nhất là mùa nắng vì đến mùa nắng, những người lính nơi đây luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo cháy rừng.
Mặc dù luôn có sự chủ động trong việc tuần tra, canh gác cũng như phòng cháy chữa cháy, nhưng chỉ một chút bất cẩn của người dân trong lúc đốt đồng hay xâm nhập vào rừng bẫy chim, ăn ong hoặc hái nấm tràm cũng có thể gây ra cháy lớn.
Chính vì vậy mà không kể ngày hay đêm, có khi cả tháng trời các anh phải túc trực 24/24 trong rừng để canh chừng thần lửa.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cái tình, cái nghĩa của những người lính đối với rừng vẫn như một lời thề sắt son, trọn vẹn. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều anh em đã tình nguyện bám rừng hàng chục năm trời và sống trong điều kiện 3 không: Không đường giao thông đi lại, không nước sạch sinh hoạt, không điện thắp sáng.
Từ đó, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần cũng nằm trong sự khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù trước đây có Quyết định 3425 và gần đây thay bằng Thông tư 24 của Bộ Quốc phòng, trong đó có quy định và hướng dẫn rõ tiêu chuẩn được hưởng về đời sống văn hoá tinh thần của người lính.
Nhưng với những người lính giữ rừng ở đây, những tiêu chuẩn ấy dường như vô hiệu bởi không có điện thì làm sao xem TV, còn báo thì một tuần mới có. “Mà đã gác rừng thì mắt đâu để đọc báo? Mắt chỉ để căng ra nhìn rừng mà thôi. Mắt tìm khói nhưng lòng chỉ mong đừng thấy khói” - đại tá Hứa Thành Công - Chính uỷ Sư đoàn 4 chia sẻ.
Mà thực ra, để kéo lưới điện, làm đường giao thông hay đưa nước sạch đến những nơi này thì ngoài “tầm tay” của đơn vị. Vì lẽ đó mà chiếc radio đã trở thành một phương tiện thông tin hữu dụng nhất, nó như một chiếc cầu nối giữa người lính với thế giới bên ngoài.
Vơi nỗi nhớ nhà
Chiếc radio đã trở thành người bạn thân thiết và luôn cận kề với người lính nơi đây như hình với bóng. Hầu như mọi sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trong và ngoài nước các anh đều nắm bắt được kịp thời thông qua chiếc radio. Nó được sử dụng mọi lúc, mọi nơi bởi nhu cầu của các anh em thì vô hạn, đặc biệt là các chiến sĩ.
Vào ca gác, ngồi trên chòi cao vừa phóng tầm mắt quan sát cánh rừng bạt ngàn vừa nắm bắt thông tin thời sự hay khi cặm cụi ngoài liếp rau, những lúc bắt cá, cải thiện đời sống, các anh luôn cảm thấy vui vẻ, thư thái khi được nghe một vở kịch vui hay một bài hát yêu thích.
Với những người lính ở nơi này thì một ngày trôi đi thật chậm. Sự chậm chạp của thời gian càng làm cho không gian thêm trầm lắng. Chỉ có tiếng radio mới đánh thức được thời gian trôi đi. Và chiếc radio bây giờ lại có thêm một tác dụng khác, nó tạo một cảm giác như trong nhà đang có khách đến thăm hoặc như có những người thân bên cạnh để xoá đi phần nào sự trống trải.
Binh nhất Phạm Xuân Hạnh - Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 10 kể: “Một lần tình cờ, qua mục kết bạn trên radio mà em có được một số địa chỉ và số điện thoại. Những lời động viên của các bạn đã giúp em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Mong lắm một ngày không xa, nơi đây sẽ không còn phải chịu cảnh cách trở đò ngang, điện sẽ về góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho các anh.
Thế Hiển