Khó ai có thể thống kê ra được một cách chính xác trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân vì tố cáo các vụ việc tiêu cực của tập thể và cá nhân?
Và cũng chẳng ai có thể thống kê ra được hết các trò “ma bùn” của tập thể hoặc cá nhân trả thù người tố cáo.
Chuyện “đấu tranh, tránh đâu” đang là phổ biến trong xã hội ta hiện nay.
Việc để lộ thông tin người tố cao là một sai sót cực kỳ đáng tiếc. Tranh: Họa sĩ Dũng Cận
Vụ việc của ông V.V.Đ ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 12.2.2017 gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Tháp tố cáo nhiều lãnh đạo TP.Cao Lãnh có dấu hiệu tiêu cực và bị chính ông Chủ tịch tỉnh này tiết lộ danh tính, địa chỉ đã làm dấy sự lo ngại: Phải bảo vệ ông V.V.Đ như thế nào?
Vì có “giời” mà biết các ông “quan” bị tố cáo kia sẽ giở những trò gì để trả thù ông Đ.
Pháp luật nước ta đã có nhiều điều quy định rất cụ thể về việc bảo vệ người tố cáo và nhân chứng.
Luật Tố cáo, lần đầu tiên được quốc hội thông qua ngày 11.11.2011, có hiệu lực thi hành ngày 1.7.2012 đã dành hẳn 1 chương (Chương V: từ Điều 34 đến Điều 40) để quy định về bảo vệ người tố cáo.
Trong đó, Điều 34 của Luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định. Cũng theo quy định của Điều này, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt...; thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.
Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo; đồng thời, cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ và các nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tại nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
Triển khai chế định này của Luật, ngày 3.10.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 20.11.2012) quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo, bao gồm, các nội dung rất cụ thể như:
Khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo.
Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.
Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.
Trường hợp phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm.
Khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình hoặc người thân thích của mình, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Yêu cầu bảo vệ của người tố cáo phải bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác, nhưng sau đó phải thể hiện ngay bằng văn bản.v.v..
Luật đã có, vấn đề là người ta có làm theo luật hay không mà thôi. Hoặc có làm theo luật, nhưng làm cho có, làm đối phó, hay nại đủ mọi lý do để không thực hiện.
Trường hợp như ông Đ. ở Đồng Tháp chẳng hạn. Nếu bây giờ, để đảm bảo tính mạng cho ông và gia đình, liệu có cơ quan nào đứng ra làm các thủ tục như: Thay tên đổi họ, thay đổi lý lịch, chuyển cả gia đình đến một nơi khác sinh sống, và đảm bảo nguồn sống cho họ?
Chắc chắn là điều này là không thể.
Cho nên, một khi chúng ta không bảo vệ được người tố cáo thì sẽ chẳng ai “dại” gì mà tố cáo; hoặc nếu có thì cũng chỉ là đơn thư nặc danh.
Mà khi đã là đơn thư nặc danh thì việc xử lý hoàn toàn có thể phụ thuộc vào sự “tùy hứng” của người chịu trách nhiệm: Vứt sọt rác cũng được (vì nặc danh); nhưng cho điều tra, xem xét cũng được (vì thấy có dấu hiệu…)
Cho nên, bảo vệ người tố cáo, sẽ là một bài toán cực khó cho các cơ quan tố tụng. Trong tình hình đơn thư tố cáo, kiện tụng đang cực kỳ phức tạp như hiện nay, thiết nghĩ, Luật Khiếu nại Tố cáo cần phải được điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt là phải hướng tới việc bảo vệ người tố cáo nhiều hơn nữa...