Nhưng choáng hơn nữa là ngay khi vụ việc bị phát giác, người đứng đầu Cục vẫn bình thản và Bộ VHTTDL vẫn cử ông tham gia Ban tổ chức Liên hoan phim dự định diễn ra vào cuối năm nay tại Phú Yên. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ, giới điện ảnh bức xúc bày tỏ ý kiến đòi làm sáng tỏ vụ việc, thì hai ông Cục trưởng và Cục phó mới làm đơn từ chức và Bộ mới chấp thuận cho hai ông từ chức.
Điều đáng nói ở đây là tại sao những chuyện này không được làm ngay từ đầu mà lại để đến khi bị “day tận mặt” thì mới có sự như vậy?.
Số tiền bị mất là lớn và đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. Có thể thu hồi được hay không thu hồi được số tiền đó, và trách nhiệm hình sự trong chuyện này... sẽ được cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên ở đây nổi lên là chuyện quản lý và trách nhiệm quản lý, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính ngay những người quản lý Cục Điện ảnh và cả ở cấp Bộ tại một đơn vị phụ trách sản xuất nghệ thuật.
Tôi xót số tiền bị mất đi một, nhưng tôi xót hơn nhiều lần về việc Nhà nước đầu tư cho điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Sự đầu tư không đưa lại hiệu quả mong muốn. Những bộ phim làm ra ít chất lượng, kém hiệu quả...
Không phải đến khi mất một số tiền lớn thì giới điện ảnh mới giật mình, hoảng hốt. Nhưng có mất tiền như vậy thì các nghệ sĩ chân chính, tâm huyết với nghề, mới xót xa, đau đớn thêm một lần nữa đau đáu với câu hỏi vì sao phim Việt không hay.
Sự từ chức của hai vị lãnh đạo Cục Điện ảnh vì vậy nên là sự từ chối một lối mòn trong tư duy quản lý và làm nghề. Rộng ra, không phải chỉ điện ảnh, mà nhiều ngành nghệ thuật khác cũng vậy. “Mất bò mới lo làm chuồng” vẫn là chưa muộn, chỉ sợ chúng ta lại vẫn tự nhốt mình trong những cái chuồng cũ để rồi tiền mất tật mang, trong khi những sản phẩm sáng tạo đích thực thì cứ mãi xa vời, vô vọng.
Nếu như gần 40 tỷ đồng thu lại được thì có lẽ nên trích ra một phần làm một bộ phim về chính ngay vụ việc này. Tôi tin chắc bộ phim đó sẽ hấp dẫn, gay cấn, và đủ bi hài, nếu thực sự là phim thật.
Phạm Xuân Nguyên