Dân Việt

Khủng hoảng Qatar đe dọa các tính toán của Nga trong khu vực

Phương Đăng 13/06/2017 08:30 GMT+7
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng hơn. Đối với Nga, sự thù địch giữa Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là điều Moscow không mong đợi vì nó đe dọa các chính sách của nước này trong khu vực.

img

Quốc vương Qatar trong một chuyến thăm Moscow và hội kiến với Tổng thống Nga Putin.

Theo Al-monitor, sự phát triển của cuộc khủng hoảng Qatar đang khiến nhiều người ở Nga bất ngờ. Mặc dù một số hoạt động của Doha đã khiến tình hình trong khu vực sôi sục âm ỉ trong một thời gian, nhưng dường như vấn đề này không được các chuyên gia Nga chú ý. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đang đe dọa lan sang các nước khác ở Trung Đông khiến Moscow phải quan sát thận trọng hơn. 

Ngay sau khi Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc Doha ủng hộ Iran và tài trợ cho khủng bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc thảo luận về vấn đề ngày. Ngày 5.6, cả 2 nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên tham gia vào "việc phát triển các giải pháp thỏa hiệp để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Vịnh Ba Tư".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã thảo luận với người đồng cấp Qatar về cuộc khủng hoảng. Theo thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Nga, 2 Ngoại trưởng đã bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng về sự phát triển của một điểm nóng khác trong thế giới Ả Rập".

Ngày 6.6, Tổng thống Putin có cuộc đàm thoại với Ngoại trưởng Qatar Thani và ngày 7.6, ông chủ Điện Kremlin điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi về cuộc khủng hoảng ngoại giao trong khu vực, vốn đang đẩy Moscow vào thế khó xử. 

Nga đang cố gắng đa dạng hóa chính sách đối ngoại khu vực, theo đó, Qatar đóng vai trò rất quan trọng trong các tính toán của Moscow những năm gần đây. 

Tháng 12 năm ngoái, nhà sản xuất dầu mỏ Rosneft của Nga đã bán 19,5% cổ phần cho Glencore và Cơ quan Đầu tư Qatar với giá 11,5 tỷ USD. Hợp đồng này được cho là có lợi cho cả 2 bên. Thậm chí, khi tin đồn Rosneft có khả năng bị quỹ Qatar mua lại, Điện Kremlin nhanh chóng tuyên bố đây là chuyện "vô căn cứ", báo hiệu tiếp tục duy trì các cam kết dài hại với Doha.

Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga ở vùng Vịnh nói với điều kiện giấu tên rằng, đã có sự thay đổi tích cực trong thái độ của Qatar với Nga dưới thời Quốc vương  Tamim bin Hamad Al Thani. Năm 2018 thậm chí còn được cho là năm văn hóa dành cho Nga và Qatar với một số sự kiện lớn và những thỏa thuận hấp dẫn để củng cố quan hệ song phương hai nước tiến xa hơn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao trong khu vực hiện nay đang gây nguy hiểm cho các tính toán của Nga đối với Qatar. 

Nga cũng muốn tránh gây nguy hiểm cho các mối quan hệ của họ với các nước khác trong khu vực -  những nước cắt quan hệ ngoại giao Qatar hoặc ủng hộ động thái này.

Xét trên quy mô lớn hơn, Moscow muốn đảm bảo cuộc khủng hoảng Qatar không tạo ra bất ổn ở Syria, vì ảnh hưởng của Qatar đối với các nhóm vũ trang ở đây. Bất ổn cũng có thể tăng lên ở Yemen và Iraq, nhưng Nga không có nhiều tài sản ở đây nên ít quan ngại hơn.

Một điều khác mà Moscow quan ngại là bất ổn trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng. Tập đoàn Gazprom của Nga cho rằng, Qatar có thể gặp vấn đề trong việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác gần gũi hơn của Qatar cũng có những quan ngại tương tự. Không phải tự nhiên mà Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan điện đàm về "cuộc khủng hoảng Qatar" và tập trung thảo luận về cuộc xung đột ở Syria cũng như triển vọng của dự án đường ống dẫn dầu "Dòng chảy phía Nam" nối giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay có thể không trở nên gay gắt hơn hoặc thổi bùng lên một cuộc chiến đẫm máu như một số dự đoán, nhưng khiến nhiều người không tin tưởng vào các bên trong khu vực, khiến việc giải quyết xung đột thậm chí trở thành thử thách cho tất cả mọi người.