Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cao cấp đã trả lời NTNN xung quanh những bất cập về cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay.
Ông Thắng nói: Xăng dầu từ lâu đã là mặt hàng đặc biệt, được giao độc quyền cho một DN Nhà nước. Việc kinh doanh xăng dầu chỉ được tập trung cho một số ít DN. Cũng chính vì do ít DN làm nhiệm vụ kinh doanh xăng dầu cho cả đất nước nên họ được quyền nhập khẩu, dự trữ, quản lý và sử dụng đường ống dẫn xăng dầu, và cả bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
Các DN xăng dầu được tạo nhiều đặc quyền, đặc lợi nên tìm mọi cách để tận dụng hết điều đó. |
Cơ chế tạo cho họ nếu nhập xăng dầu giá cao thì sẽ được miễn thuế, thậm chí thuế bằng 0% để giảm bớt phần nào khó khăn cho họ khi bán xăng dầu đã nhập đó ở trong nước. Với cách quản lý như thế, chúng ta có thể hiểu câu chuyện lỗ lãi của ngành xăng dầu tại sao lại khó giải trình thế.
Bởi, bất cứ ai được giao nhiệm vụ như Petrolimex trong việc chiếm lĩnh phần lớn kinh doanh xăng dầu này thì họ không dại gì đi nhập xăng dầu giá rẻ về cả. Vì nhập giá rẻ vừa bị Nhà nước đánh thuế, DN lại vừa phải mất công theo sát thị trường, chịu rủi ro, phải săn đón thị trường trong khi cứ nhập giá cao không chịu thuế lại đỡ "mệt" mà được nhiều lợi ích hơn.
Đó là lý do khiến các DN xăng dầu thường kêu ca là phải nhập hàng giá cao và bán giá thấp, kiểu vừa được ăn, được nói và được gói mang về?
- Đúng vậy, bởi họ nhập được hàng với giá thấp thì làm sao chứng minh được chuyện lỗ của mình. Chưa nói đến việc, trong lúc được ưu ái về cơ chế như thế, chúng ta lại lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Để được quỹ hỗ trợ thì họ phải chứng minh rằng, tôi xứng đáng được nhận quỹ đó, nếu lãi thì ai cho tiền, nên chứng minh được mình lỗ thì mới có tiền, mới được hỗ trợ từ quỹ.
Đến đây, chúng ta có thể hiểu phần nào tại sao các DN xăng dầu lại kêu lỗ triền miên, trong khi đóng ngân sách vẫn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Và chả DN xăng dầu nào lại dại gì đi khai báo mình lãi cả.
Vậy các DN xăng dầu có thể hoàn toàn đổ lỗi do cơ chế khiến họ kinh doanh lỗ và Nhà nước vẫn phải chịu bồi thường một cách phi lý, thưa ông?
- Đúng như vậy. Tôi cho rằng phải làm sao ngành xăng dầu có một hệ thống buôn bán có nhiều thành phần tham gia. Hiện nay, chúng ta quy định, nếu anh làm đại lý của Petrolimex hay DN nào khác thì không được nhận xăng dầu của DN đầu mối khác nữa. Như vậy, khác nào kinh doanh xăng dầu của ta thành hệ thống khép kín, không có cạnh tranh.
Ông Phạm Tất Thắng
Điều này cũng lý giải vì sao Petrolimex - DN chiếm 60% thị phần xăng dầu hiện nay - hô giá lên thì tất cả các DN khác phải lên theo, hô xuống các DN khác phải xuống giá, và cuối cùng người tiêu dùng chả được lợi gì.
Sau khi hai Bộ Tài chính-Công Thương nổ ra cuộc tranh cãi kịch liệt, liệu ngành xăng dầu có thay đổi được cơ chế bất cập như ông nói không?
- Tôi nghĩ việc này đã báo hiệu về tính công khai và muốn phá vỡ những gì lạc hậu, bất cập của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay mà Bộ trưởng Tài chính là người đi tiên phong. Tôi không biết ông ấy có làm nổi không nhưng muốn ngành xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường thì phải thay đổi cách quản lý nhà nước.
Như Bộ trưởng Tài chính đã nói "các cơ quan quản lý nên bớt quan liêu đi". Chúng ta không thể nói DN chuyển sang cơ chế thị trường là chuyển sang được mà phải thay đổi cơ chế, cách quản lý và có những hành động cụ thể, thiết thực.
Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Thương mại: Gỡ ngay “bùng nhùng” trong giá xăng dầu
Nói là đưa giá điện, xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Trong khi ta hiện chỉ có 3 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được? Bài toán đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay, chính là phải xóa bỏ bù lỗ về giá. Muốn làm được thế thì phải tạo ra thị trường cạnh tranh. Có thể chia nhỏ các tổng công ty xăng dầu ra.
Theo tôi thì minh bạch chả khó gì cả, nhất là khi giá nhập bao nhiêu, chi phí bao nhiêu, Nhà nước cho lợi nhuận bao nhiêu phần trăm trên chi phí hoặc doanh thu hoàn toàn có thể nắm được, làm được, và điều đó phải công bố cho dân biết. Bộ Tài chính phải vào kiểm tra và nói cho dân biết sự thực về lỗ, lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đây là thời điểm tốt nhất để tháo gỡ cái “bùng nhùng” này.
Ông Nguyễn Tất Thịnh - Học viện Chính trị hành chính Quốc gia: Petrolimex quản trị yếu kém trên cả 3 lĩnh vực
Vấn đề của Petrolimex không thuần túy là vấn đề kinh tế mà cần phải xem xét dưới góc độ quản trị doanh nghiệp. Do khâu quản trị doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch nên lãnh đạo doanh nghiệp mới không thể đưa ra con số cụ thể về giá. Sự yếu kém trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp của Petrolimex thể hiện rõ ràng trên cả 3 lĩnh vực, đó là: Quản trị các kênh phân phối, quản trị giá thành và quản trị thị trường và thương mại. Việc thường xuyên kêu lỗ nhưng đến lúc cần lại bảo lãi là sự không nhất quán, gây mất lòng tin nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quang A - Chuyên gia kinh tế: Phải cách chức giám đốc
Vài năm trước tôi đã kiến nghị tổ chức lại ngành xăng dầu: Chia tách Petrolimex ra làm đôi; hợp nhất nhiều trong số 10 doanh nghiệp nhỏ; để hình thành 3 – 4 doanh nghiệp sàn sàn nhau. Trước mắt có thể tất cả vẫn là các doanh nghiệp nhà nước, nhưng chúng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Khi đó các bộ liên quan sẽ rất nhàn, khỏi phải cãi vã. Bộ làm việc của bộ, doanh nghiệp làm việc của doanh nghiệp. Nhưng họ có muốn thế không? Phải hỏi các ông to hơn. Xóa độc quyền, tạo sự cạnh tranh thật sự và Nhà nước không bao cấp, không ưu ái cho các doanh nghiệp này. Lỗ thì cách chức giám đốc thậm chí cho phá sản mới là giải pháp chính. .
Phương Hà (ghi)
Mai Hương (Thực hiện)