Dân Việt

Con đường đắt nhất hành tinh: Quy hoạch với tư duy vạch ngang, xẻ thẳng

Hoàng Thắng 13/06/2017 19:45 GMT+7
Với kinh phí đầu tư dự kiến gần 7.800 tỉ đồng, tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) với chiều dài 2,2 km thuộc địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội có khả năng sẽ xác lập kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh” mới.

imgĐường đường vành đai , đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ xác lập kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh”?

Một quận, ba con đường “đắt nhất hành tinh”

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội mới đây đã trình UBND thành phố thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) có tổng chiều dài 2,2 km, mặt cắt ngang rộng 50 m.

Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Tuyến đường bao gồm 2 cầu vượt thông theo hướng đường vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.

Dự án sẽ chiếm dụng gần 160.000 m2 đất, trong đó 83.000 m2 đất ở của hộ dân, 16.000m2 đất cơ quan và gần 54.000 m2 đất đường giao thông. Tổng các hộ dân phải giải phóng mặt bằng là 2.044 hộ.

img

Bản đồ quy hoạch tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục)

Tổng mức đầu tư theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt và phần mở rộng phía Bắc dự án (đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ) là khoảng 7.800 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 6.400 tỉ đồng, chi phí xây lắp hơn 1.800 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020.

Với kinh phí đầu tư dự kiến gần 7.800 tỉ đồng, trung bình 3,5 tỷ đồng/m, tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) sẽ phá kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh” của tuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu: 1.767 tỉ cho 700 m, trung bình 1,4 tỷ đồng/m, và tuyến đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa: 642 tỉ cho 550 m, trung bình 1,4 tỷ đồng/m.

Cần tránh tư duy “vạch ngang, xẻ thẳng”

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, tuyến đường vành đai 1 đóng vai trò mạch máu chính của giao thông Thủ đô Hà Nội, là nơi nối tiếp các tuyến đường, các dòng xe chủ yếu sẽ đi qua đây trước khi tiếp tục lưu thông trong đô thị.

imgTuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu thời điểm đang thi công

Với kinh phí đầu tư dự kiến gần 7.800 tỉ đồng cho con đường dài 2,2 km, TS. Nguyễn Xuân Thủy đánh giá đây là một con số quá lớn, bình quân trên 156 triệu USD/km. Con số này nhiều gấp 15 lần so với chi phí đầu tư bình quân cho mỗi cây số trên đường cao tốc Bắc – Nam: 10 triệu USD/km.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới số tiền đầu tư “trên trời” này, TS. Thủy cho biết: “Khi quy hoạch, chúng ta hay có tư duy vạch ngang, xẻ thẳng. Tức là lúc quy hoạch xây dựng, cứ chiếu thẳng từ điểm đầu tới điểm cuối mà làm, chứ không để tâm nhiều tới phương án né tránh, hạn chế phá  bỏ nhà cửa của người dân. Còn tốn kém bao nhiêu thì để Nhà nước, nhân dân chịu.

Dù trong quá trình quy hoạch, người quy hoạch phải tính tới tốc độ của dòng xe, hướng tuyến, mặt cắt đường và một số yếu tố kỹ thuật khác. Nhưng tôi cho rằng trong việc hướng tuyến, cần làm sao để không phải phá bỏ nhiều nhà dân, chặt nhiều cây xanh. Làm được điều này, mới có thể giảm chi phí xây dựng, đồng thời đảm bảo cảnh quan, môi trường của thành phố”.

Theo TS. Nguyền Xuân Thủy, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng luôn chiếm một phần lớn trong quy hoạch, xây dựng. Bởi bản thân những người dân sinh sống trong khu vực giải tỏa mặt bằng đã ở đó hàng chục, thậm chí cả trăm năm, trải qua nhiều thế hệ. Không thể đền bù cho họ một số tiền thấp được.

“Cách đây hàng chục năm, do tầm nhìn quy hoạch của chúng ta chưa dài hạn, phương tiện giao thông lúc đó chủ yếu là xe đạp, xe máy nên đường sá xây dựng thường không rộng. Tới giờ, khi phải mở rộng đường để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thì lại phải phá nhà dân. Rõ ràng, chúng ta thiếu những dự báo tương lai. Ví dụ: Con đường đó sẽ phát triển ra sao? Sẽ có những phương tiện nào lưu thông? Mật độ lưu thông như thế nào?”, TS. Thủy nói.

Trước đó, trong quá trình triển khai dự án tuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội từng giải thích, do trên tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, 100% đều là đất của người dân nên khoản chi phí chi cho việc giải phóng mặt bằng và đền bù trong dự án này là rất lớn. Chỉ riêng mức đền bù giải phóng mặt bằng cho đoạn đường dài hơn 527 mét, rộng 50 mét này đã lên đến 820 tỷ đồng. Trong khi đó tổng chi phí cho xây dựng chỉ 77 tỷ đồng, và chi phí cho vỉa hè 1,2 tỷ đồng.