Dân Việt

Vị hoàng đế Trung Quốc giết con chỉ để lấy lòng mỹ nhân

Diệp Thảo 14/06/2017 13:31 GMT+7
Người Trung Quốc thường nói “hổ dữ cũng không ăn thịt con”. Nhưng Hán Thành Đế lại giết chính con của mình để vừa lòng mỹ nhân.

Hán Thành tên thật là Lưu Ngao là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 33 TCN đến năm 7 TCN.

Hán Thành Đế bị đánh giá là hôn quân trong lịch sử nhà Hán, chỉ mải mê hưởng lạc không lo việc triều chính. Quyền hành trong triều đều bị phân hóa vào tay họ Vương, dòng họ của mẹ ông là Vương Chính Quân, đây là tiền đề để Vương Mãng giành quyền lực.

Hán Thành Đế Lưu Ngạo giết chết đứa con trai của mình hoàn toàn không phải vì nó phạm sai lầm gì, cũng chẳng phải vì mưu phản mà là vì muốn làm đẹp lòng mỹ nhân mà ông ta đang si mê. Điều đáng ghê sợ nhất là đứa con mà ông ta nhẫn tâm giết chết chỉ là một đứa trẻ còn nằm nôi…

Dưới thời ông của Lưu Ngạo là Hán Tuyên Đế trị vì, quốc thái dân an, trăm họ được sống trong cảnh thái bình khiến nền chính trị của triều Hán được phục hưng kể từ sau thời Hán Vũ Đế. Sử gia gọi đây là thời Trung Hưng của nhà Hán. Sử gia nổi tiếng của Trung Quốc là Ban Cố đánh giá rất cao Hán Tuyên Đế, coi ông là một trong số không nhiều các vị minh quân của triều Hán. Tuy nhiên, chỉ vài chục năm sau đó, tới thời đứa cháu đích tôn của vị minh quân này lên ngôi, thì nền chính trị nhà Hán lại một lần nữa rơi vào cảnh lụi tàn.

img

Lưu Ngạo ngày còn nhỏ thì chăm đọc kinh thư, khiêm tốn.

Lưu Ngạo sinh năm 51 trước Công nguyên, là con trai trưởng của Hán Nguyên Đế, cháu đích tôn của Hán Tuyên Đế. Khi Hán Tuyên Đế nghe tin đứa cháu đích tôn này được sinh ra, vô cùng vui mừng, không chỉ thường xuyên ở bên chăm sóc, vui đùa mà còn tự mình đặt tên cho là Lưu Ngạo, tự là Thái Tôn. Chữ Ngạo trong tiếng Hán nghĩa là con tuấn mã có thể đi ngàn dặm, còn Thái Tôn nghĩa là người kế thừa của thái tử. Từ cách đặt tên của Hán Tuyên Đế cho Lưu Ngạo, có thể thấy ông ta kỳ vọng rất nhiều vào đứa cháu đích tôn của mình.

Khi còn nhỏ, Lưu Ngạo dường như không làm người ông nội của mình thất vọng. Ngạo thích đọc kinh thư, biết nhiều và rất khiêm tốn, cẩn thận. Tuy nhiên, Ngạo lớn lên, Hán Tuyên Đế đã mất thì Ngạo bỗng dưng biến chất, trở nên thích rượu chè, gái đẹp và những trò hưởng lạc. Cha của Ngạo là Nguyên Đế cảm thấy Ngạo không thể đảm đương trọng trách là người kế thừa ngôi báu được, nhiều lần muốn phế bỏ ngôi thái tử của Ngạo.

Tuy nhiên, vì nhiều quan lại nói tốt cho Ngạo, lại thêm Ngạo là thái tử đã được Tuyên Đế lựa chọn nên Nguyên Đế lại từ bỏ ý định. Tới năm Canh Nguyên thứ nhất, tức năm 33 trước Công nguyên, Hán Nguyên Đế mắc bệnh qua đời, Lưu Ngạo trở thành người kế vị, lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Hán Thành Đế.

Dưới thời trị vì của Hán Thành Đế, nhà Tây Hán lâm vào tình cảnh khủng hoảng và thoái trào. Bên trong thì triều thần kết bè, kết đảng đấu đá lẫn nhau, bên ngoài thì nông dân đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên ở khắp nơi.

Trong khi đó, Hán Thành Đế Lưu Ngạo lại là một người hoàn toàn không có chí lớn, không có tài năng lãnh đạo, lại thêm lối sống thích hưởng lạc, dâm loạn và xa hoa cùng cực càng khiến đất nước thêm rối loạn, nhân dân thêm thống khổ.

img

Khi trưởng thành lại là một kẻ ham mê tửu sắc.

Khi còn là thái tử, Lưu Ngạo đã là kẻ ham mê tửu sắc, hoang dâm vô đạo, tới khi tức vị lên ngôi càng như vậy. Để thỏa mãn sự xa hoa của mình, Hán Thành Đế bất chấp đời sống nhân dân đói khổ, liên tục xây dựng các công trình, cung điện phục vụ cho những cuộc ăn chơi hưởng lạc.

Chưa hết, Hán Thành Đế còn không thương xót chuyện ly tán người thân trong thiên hạ, ra lệnh bắt bằng đủ 3.000 mỹ nữ đưa vào hậu cung để phục vụ mình. Sống giữa hàng ngàn mỹ nữ, Hán Thành Đế sinh ra tật “có mới nới cũ”. Hứa hoàng hậu tuổi cao, nhan sắc kém đi, lập tức bị Hán Thành Đế thải loại. Sự sủng ái của ông vua dâm loạn được chuyển sang Ban Tiệp dư. Nhan sắc của họ Ban có một chút kém đi, Hán Thành Đế lập tức chuyển sự chú ý sang cô thị nữ của Ban Tiệp dư là Lý Bình.

Năm 19 TCN, sau lần đến phủ Dương A công chúa ông gặp được 1 ca nữ tuyệt sắc là Triệu Phi Yến cùng người em cũng xinh đẹp không kém Triệu Hợp Đức ngay lúc đó Hán Thành Đế đã say đắm cả 2 người và đưa vào cung phong làm Phi tần.

Năm 18 TCN, Hứa hoàng hậu bị vu cáo dùng thuật vu cổ để hãm hại Hoàng đế, Vương thái hậu tức giận cho điều tra và phế truất Hứa hoàng hậu. Ban tiệp dư lo sợ mình sẽ lại bị hại như Hoàng hậu, bèn tìm đến Trường Tín cung của Thái hậu, xin hầu hạ nơi đấy, tránh xa Hậu cung. Từ đấy họ Triệu độc sủng hậu cung. Hán Thành Đế muốn phong Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu, nhưng do thân phận ti tiện, xuất thân hàn vi nên Vương thái hậu không đồng ý.

Năm 16 TCN, sau nhiều lần thuyết phục và gia phong cho cha của Triệu Phi Yến, Thái hậu cũng đồng ý lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu, em gái Triệu Hợp Đức cũng được phong làm Chiêu nghi. Từ đấy Hán Thành Đế chỉ sủng hạnh hai chị em họ Triệu, cùng họ xa hoa hưởng lạc. Ông cho xây Chiêu Dương cung, rất tốn kém và huy động hàng chục vạn dân phu xây lăng mộ rất lớn và xa hoa cho mình trong hàng chục năm. Cũng vì ỷ sủng mà sinh kiêu, Triệu Hợp Đức ra sức giết chết các cung tần có thai với Hán Thành Đế, dần khiến Thành Đế đoạn tử tuyệt tôn, trở thành vấn đề nhức nhối của ông.

img

Sự hoang dâm với hai chị e nhà họ Triệu.

Việc không có con nối dõi là một trong những tội bất hiếu lớn nhất của người đàn ông phong kiến, với các Hoàng đế, điều này càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo có con nối dõi, Hán Thành Đế đã phụ lời hứa với hai chị em họ Triệu, vụng trộm sủng hạnh một phi tần khác.

Trong số những người được Hán Thành Đế sủng hạnh một cách vụng trộm, có một người may mắn mang thai và sinh con. Để bảo vệ ngôi Hoàng hậu của mình và bảo toàn lợi ích của hai chị em, chị em họ Triệu không từ thủ đoạn, khống chế hậu cung, tiêu diệt các đối thủ.

Tới năm Nguyên Đình thứ nhất, năm 12 trước Công nguyên, một phi tần họ Tào sinh cho Hán Thành Đế một đứa con trai. Sau khi sự tình bị tiết lộ, Triệu Hợp Đức lập tức phái người hạ độc giết chết Tào thị. Để giết người diệt khẩu, Triệu Hợp Đức còn hạ lệnh nhốt 5 người hầu gái của họ Tào vào ngục tối, rồi ngấm ngầm giết chết. Tiếp đó, đứa con được Tào thị sinh ra mới mười mấy ngày bị Triệu Hợp Đức phái người tới bế đi, cuối cùng không ai biết tông tích ở đâu. Hán Thành Đế biết chuyện này nổi giận đùng đùng, tuy nhiên, lại sợ chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức nên chỉ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Song, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.

Một năm sau đó, Hán Thành Đế lại “vụng trộm” sủng hạnh một phi tần khác là Hứa thị. Tới tháng 11, Hứa thị sinh ra một đứa con trai. Hán Thành Đế sợ mọi chuyện lại bị lộ, tới tai chị em họ Triệu thì sẽ phiền phức nên chỉ phái vài ngự y tới chăm sóc riêng cho Hứa thị. Cuối cùng, tới năm 41 tuổi, Hán Thành Đế cũng có được một đứa con trai.

Tuy nhiên, trong lúc vui mừng quá đà, Hán Thành Đế lại đem chuyện có con trai ra nói với Triệu Hợp Đức. Triệu Hợp Đức biết chuyện, lập tức khóc lóc nói với Hán Thành Đế rằng: “Lần nào hoàng thượng cũng nói là từ chỗ Triệu Phi Yến tới, vậy làm sao Hứa thị lại có con được? Lẽ nào hoàng thượng muốn họ Hứa làm hoàng hậu”.

Tiếp đó, Triệu Hợp Đức dọa sẽ bỏ về quê để đe dọa Hán Thành Đế. Một là khóc, hai là làm loạn lên, ba là tự sát, bốn là đòi chia tay. Đó là bốn thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm của phụ nữ đã được Triệu Hợp Đức vận dụng tới mức “lâm li bi đát”. Hán Thành Đế cuối cùng phải thề trước mặt Triệu Hợp Đức sẽ giữ lời hứa, không lập họ Hứa làm Hoàng hậu, để thiên hạ không có ai đứng trên họ Triệu.

Tiếp đó, để thể hiện mình là người biết giữ lời hứa, Hán Thành Đế tự tay viết một bức thư gửi cho Hứa thị. Nhìn thấy bức thư do chính tay Hoàng đế viết, Hứa thị trao đứa con trai mới sinh cho sứ giả. Khi đứa trẻ được bế vào trong cung, Hán Thành Đế ra lệnh cho mọi người lui hết ra ngoài, chỉ còn lại mình mình và Triệu Hợp Đức. Tới khi cửa được mở ra, mọi người bước vào thì đứa trẻ đã chết.

Sử sách không hề nói rõ, đứa trẻ vì sao mà chết. Tuy nhiên, theo thói thường, đàn ông sau khi hứa, bao giờ cũng thể hiện bằng hành động. Vì vậy, có thể suy ra, đứa trẻ bất hạnh này đã bị chính Hán Thành Đế nhẫn tâm giết chết để làm vừa lòng Triệu Hợp Đức.

Hán Thành Đế tàn nhẫn tới mức giết chết cả con trai do mình sinh ra, mục đích chỉ là muốn làm vui lòng chị em họ Triệu, thỏa mãn nhục dục của mình. Hai năm mất liên tiếp hai đứa con trai, lại thêm bị chị em họ Triệu giám sát một cách chặt chẽ. Năm 9 TCN, do không có con trai, Hán Thành Đế bèn triệu em trai là Trung Sơn vương Lưu Hưng và cháu trai là Định Đào vương Lưu Hân về Trường An hòng chọn người kế vị. Bà nội của Lưu Hân là Đinh Đào Phó thái hậu, đã diện kiến Triệu hoàng hậu cùng những hòm châu báu, mong Hoàng hậu nói giúp với Hán Thành Đế lập cháu mình đăng ngôi, quả nhiên sau đó Hán Thành Đế lập Lưu Hân làm Thái tử.

Tới năm 7 trước Công nguyên, Hán Thành Đế chết trong một lần dâm dục quá độ với mỹ nhân Triệu Hợp Đức. Vị Hoàng đế từng được kỳ vọng sẽ là một con tuấn mã ngàn dặm không biết mỏi mệt, cho đến cuối đời, lại trở thành một kẻ hôn quân số một trong lịch sử Trung Quốc.