Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, Bộ Y tế đang đưa ra các giải pháp siết quá chặt về chi phí khám chữa bệnh và hình như hướng tới các chi phí giá rẻ, thuốc rẻ, trang thiết bị rẻ để tiết kiệm. Như vậy là đi ngược với định hướng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Có đại biểu cũng cho rằng, không nên chăm chăm siết chi BHYT. Hiện các bác sĩ rất bức xúc vì rất khó tập trung vào chuyên môn khi vừa khám chữa bệnh vừa phải dò xem kỹ thuật đó, thuốc đó có được BHYT chi trả hay không.
Bộ trưởng Bộ Y tế rất ngại ngần cho biết, đây là một tam giác giằng co giữa ba bên. Một là phía người dân luôn muốn đóng BHYT ở mức thấp nhất nhưng lại muốn được khám chữa bệnh đạt chất lượng tốt nhất, quyền lợi được mở rộng tối đa nhất, thuốc tốt nhất. Nhiều người dân đã được nhà nước hỗ trợ một phần rồi vẫn ngại đóng BHYT. Một “cạnh” khác là các bác sĩ luôn muốn thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm tốt nhất, thuốc tốt nhất, trang thiết bị hiện đại nhất… Còn cơ quan BHXH là nơi giữ Quỹ BHYT thì phải có các biện pháp để siết chi ở mức nhất định, đảm bảo không bị lạm chi.
Hệ thống giám định điện tử sẽ giúp phát hiện các "bất thường" trong khám chữa bệnh BHYT
“Tam giác này luôn bị giằng co từ bên nọ qua bên bia. Nếu chỉ chệch bên này một tí thì lại dẫn đến lạm dụng Quỹ BHYT, lạm dụng xét nghiệm, còn lệch sang bên kia thì lại bị kêu siết chi, quá tiết kiệm, quá hạn chế quyền lợi… Do đó, các bên luôn phải ngồi lại làm việc với nhau để đảm bảo cân bằng, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh” - Bộ trưởng nói.
Về vấn đề lạm dụng Quỹ BHYT trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đúng như Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, hiện người bệnh đang được hưởng quyền lợi cao hơn mức đóng. Mỗi năm, BHYT chi trả hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh ở hơn 14000 cơ sở y tế.
Tuy nhiên, thời gian hiện nay tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT diễn ra khá nhiều. Nguyên nhân là do khi ta nâng giá dịch vụ y tế, dành tiền đó mua BHYT, khám chữa bệnh qua BHYT thì không ít các bệnh viện đã xuất hiện hiện tượng trục lợi Quỹ như kéo dài thời gian nằm viện. Hệ thống giám sát đã chỉ ra rằng, một kỹ thuật chỉ cần nằm viện 2 ngày nhưng nhiều bệnh viện, bệnh nhân nằm 5-7 ngày. Giường bệnh tuyến huyện thường ko sử dụng hết 100% công suất nhưng có tỉnh báo lên đến 200 – 300% công suất rất không bình thường.
Theo bà Minh, hiện tổng Quỹ BHYT là hơn 73.000 tỷ đồng nhưng dự toán thực tế năm nay sẽ chi khoảng 80.000 tỷ. Việc tăng 10% các chi phí khám chữa bệnh như vậy theo đánh giá của các chuyên gia là không bình thường. Do đó, nếu không có giải pháp tích cực để siết chặt quỹ BHYT thì trong thời gian tới, Quỹ sẽ “âm” 7.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các giải pháp để giảm tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, vừa không “làm khó” các bệnh viện.
Bộ trưởng thừa nhận, qua kiểm tra, tình trạng trục lợi Quỹ BHYT ở một số cơ sở BHYT, lạm dụng xét nghiệm là có. Nếu phát hiện tình trạng trục lợi, ngành y tế sẽ xử lý nghiêm.
"Bộ sẽ ban hành thêm các phác đồ điều trị để các cơ sở y tế căn cứ vào đó để điều trị. Tăng cường phối hợp với BHXH để thực hiện hệ thống giám sát điện tử, phát hiện các dấu hiệu sai phạm. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu để tiến hành thay đổi phương thức chi trả. Hiện chúng ta đang thực hiện theo phương thức, khám bệnh chi hết bao nhiều tiền thì chi trả bấy nhiêu. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng người bệnh “tranh thủ” đi khám bệnh dù không ốm, hoặc các bệnh viện kéo dài ngày giường, tăng xét nghiệm. Nhưng thời gian tới, nếu áp dụng phương thức chi trả theo định suất, cụ thể như quy định nội soi mổ ruột thừa 2 triệu thì dù nằm viện 2 ngày hay 7 ngày cũng chỉ trả 2 triệu. Hoặc phương thức chi trả theo nhóm ca bệnh (liên quan đến triệu chứng bệnh) cũng tương tự. Tuy nhiên, để thực hiện được phương thức chi trả này cần thời gian” - Bộ trưởng Tiến nói.