Dân Việt

ĐB Nguyễn Thái Học: Bộ trưởng trả lời không khớp báo cáo thẩm tra

Nhóm P.V 15/06/2017 09:50 GMT+7
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: Về số liệu Bộ trưởng đưa ra để trả lời về nợ công không khớp với báo cáo thẩm tra của UB Tài chính ngân sách.

img

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) 

Theo báo cáo thẩm tra của UB Tài chính ngân sách, qua kiểm toán 30/48 địa phương, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới là trên 7.000 tỷ đồng, xây dựng nông thôn mới ở 53 tỉnh thành phát sinh nợ đọn xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ. Bộ trưởng đã lời là nợ đọng xây dựng cơ bản chỉ còn 9.000 tỷ đồng, nghĩa là đã thanh toán 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Luật đầu tư công không cho phép thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhiều địa phương hiện có nguồn vốn thanh toán nhưng không thanh toán được. Vậy cơ sở nào để thanh toán 6.000 tỷ nợ đọng xây dựng cơ bản? Nếu như có giải pháp thanh toán thì đề nghị Bộ trưởng cho biết các địa phương khác được thanh toán hay không? Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có nợ đọng xây dựng cơ bản như thế nào?

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng  Nguyễn Chí Dũng cho biết: Số liệu nợ đọng xây dựng NTM 15.000 tỷ như tôi đã trả lời ở trên là từ trước 31.12. 2014 nhưng đã xử lý được 6.000 còn 9.000 tỷ. Tuy nhiên, theo Quy định, sau 31.12.2014  mà các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn là vi phạm Luật, không được giải quyết. Do đó, các khoản nợ này các địa phương phải tự cân đói để xử lý. Còn về khoản nợ đọng xây dựng cơ bản nói chung, tôi đã trả lời ở phần trên, sau 31.12.2014 đã xử lý xong, nếu còn phát sinh thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau 31.12.2014. Việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31.12.2014 sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định phát luật hiện hành. 

Bình luận về phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng:  Dù ghi nhận Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng. Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật sẽ thấy còn tồn tại nhiều yếu kém trong công tác quản lý, kiểm tóan vốn đầu tư công. Dẫn tới sự tiêu cực, lãng phí, thất thóat, sử dụng kém hiệu quả vốn đầu tư công như phản ánh của nhiều cử tri.

"Bộ trưởng đánh giá thực trạng này như thế nào? Trách nhiệm của Bộ KHĐT, chính quyền địa phương trong vấn đề này ra sao? Đâu là giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên?", ĐB Nguyễn  Thái Học tiếp tục chất vấn Bộ trưởng ngay trước giờ Quốc hội giải lao.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB Học, Bộ trưởng cho biết: Việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư công không chỉ diễn ra trong hiện nay, mà diễn ra trong một quá trình dài. Chúng ta có nhiều chính sách khắc phục, trong đó có luật đầu tư công.

Song đồng ý với đại biểu là cách bố trí của chúng ta còn dàn trải, chưa sát với thực tế, nhu cầu. Chúng tôi có 2 trách nhiệm trong việc này. Tham mưu chính sách trong đầu tư công chưa đưa ra đầy đủ, đảm bảo hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp để xảy ra chưa thực hiện thật tốt. Vấn đề này còn liên quan tới nhiều Bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho quốc hội các giải pháp căn cơ hơn, chống lãng phí hiệu quả hơn.

Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng về giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài. ĐB Ngân cho  biết: Chiều qua tôi đã gửi hai câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng và Bộ trưởng đã trả lời câu hỏi thứ nhất. Song trong câu hỏi thứ nhất có rất nhiều nội dung, đặc biệt là những giải pháp để giải quyết vấn đề làm sao thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giải quyết bài toán chuyển giao công nghệ, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam… Chính phủ cần có một giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới giải quyết được bài toán này. Tuy nhiên vì nội dung dài nên đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Câu thứ hai liên quan tới nông nghiệp, tôi đồng tình với phần lớn câu trả lời của Bộ trưởng. nhưng tôi thiết nghĩ với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta cứ loay hoay với những giải pháp mà không bàn sâu hơn thì nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi đồng ý với bộ trưởng ở vấn đề hạn điền, nhưng hạn điền không phải yếu tố quan trọng. Quan trọng là phải phát triển được chuỗi giá trị, sự hợp tác giữa các nông nghiệp. Vậy nên, chúng ta phải phát triển được mô hình hợp tác xã. Ở Thái Lan, có một bộ là Bộ Nông nghiệp & Hợp tác xã, như vậy có nghĩa họ rất quan tâm tới mô hình hợp tác xã. Ngoài ra, vấn đề ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cũng rất quan trọng, câu chuyện cơ khí hóa, điện khí hóa ở nông nghiệp rất cần vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Vấn đề đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông thôn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 5,5% vốn đầu tư. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm hơn.