Hơn 10 năm trong nghề, luật sư Nguyễn Hồng Thái đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho hàng ngàn vụ ly hôn. Trong quá trình giải quyết, tư vấn các vụ án ly hôn đều có thành công và thất bại. Nhưng tất cả đều để lại cho vị luật sư cảm giác tiếc nuối. Tiếc nuối vì một cuộc hôn nhân đã đổ vỡ, một gia đình sắp ly tán… Bi kịch của mỗi gia đình, qua lời kể của vị luật sư này là một bài học đáng suy ngẫm cho cả xã hội. Dân Việt xin giới thiệu loạt bài "Những bi kịch gia đình sau cánh cửa tòa án". |
Hành hạ vợ để trả thù bố mẹ
Chia sẻ về nghề, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Làm nghề này, đôi khi chúng tôi vừa tư vấn luật lại vừa phải là nhà tư vấn tâm lý. Nhiều người tìm đến chúng tôi, đôi khi chỉ cần lắng nghe, chia sẻ. Cách đây nửa năm, văn phòng chúng tôi đón một phụ nữ trung niên tìm đến. Chị ấy trả chúng tôi gần 10 triệu đồng mà chỉ cần chúng tôi ngồi nghe chuyện”.
Hình minh họa
Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện nói trên là chị Hoàng Minh Tình (SN 1972) ở Hà Đông, Hà Nội. Tìm đến văn phòng của luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội), chị Tình kể, gia đình chị ngột ngạt từ hơn 10 năm nay. Dù trong lòng rất khó chịu nhưng chị lại chẳng thể tâm sự với ai.
Chị Tình cho rằng, nguyên nhân khiến chồng hành hạ mình, có lẽ là từ… bố mẹ chị. Hồi hai người yêu nhau, bố mẹ chị đã ra sức cấm cản. Bố chị cho rằng, Nguyễn Văn Chiến (SN 1970, chồng chị Tình) vừa nghèo lại có tướng mạo không tốt. Nếu lấy, chị sẽ khổ một đời.
Mẹ chị thậm chí còn buông không ít lời xúc phạm tới Chiến. Chàng trai thấy vậy cũng ấm ức xin rút lui. Bố mẹ chị lúc đầu mừng rỡ, nhưng sau mấy năm trời, chẳng thấy con gái chịu yêu ai khác, lúc nào cũng gầy mòn buồn bã thì cũng đành chấp nhận.
Hai người sau đó nên duyên và sinh được 2 người con khỏe mạnh. Kinh tế gia đình chị cũng bắt đầu dần tốt lên. Chồng chị rất chịu khó học hỏi và chăm chỉ làm việc. Sau 10 năm, Chiến là chủ một công ty xuất khẩu. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Tuy nhiên, từ ngày giàu lên thì tình cảm vợ chồng chị lại ngày một tệ hơn. Lúc đầu, Chiến chưa vướng vào chuyện bồ bịch nhưng lại đối xử với vợ rất tệ. Cả ngày Chiến hoạnh họe, mắng mỏ, chê bai vợ. Chỉ cần chị bất bình cãi lại là Chiến lại đánh. Nhiều hôm bố mẹ chị thấy con gái mặt mũi tím bầm, gặng hỏi thì chị nói do bị ngã.
“Chị ấy kể, cứ ba ngày Chiến lại đánh chị một lần, không cần lí do. Vớ được cái gì anh ta đánh chị bằng cái đó. Có khi đang yên lành, nhớ ra là “lịch” đánh vợ, Chiến nhào vào tát vợ vài cái. Một lần bị đánh đau quá, chị nói sẽ báo chính quyền nếu Chiến tiếp tục thì anh ta gằn giọng nói: “Mày báo thì bố mẹ mày sẽ không được yên! Ngày xưa họ khinh tao không khác gì con vật, giờ tao phải trả thù”. Hóa ra lâu nay chị bị đối xử tệ bạc là do Chiến vẫn hằn học chuyện bố mẹ chị cấm đoán ngày xưa”, anh Thái nhớ lại. Lời thú nhận hèn hạ, dã man ấy khiến chị Tình không khỏi rùng mình.
Sau này, không chỉ đánh đập, Chiến còn công khai những mối quan hệ ngoài luồng. Đêm ngủ, nằm cạnh chị nhưng Chiến vẫn gọi điện nói chuyện ngọt ngào với nhân tình.
Thậm chí đi chơi, đi ăn uống, Chiến còn chụp ảnh lại và gửi về cho vợ. Dù đau đớn nhưng chị Tình lại không muốn ly hôn. Chị cũng không dám nói với ai, bởi chị sợ bố mẹ đã già yếu, bệnh tật mà biết chuyện sẽ không chịu được.
Ép vợ đồng ý cho cưới vợ hai
Mọi chuyện dần cũng đến tai bố mẹ chị. Nhiều lần gặng hỏi con gái, bố chị đã gần như chết đứng khi biết con rể hèn hạ vẫn để bụng chuyện ngày xưa. Thương con, bố chị đã làm mâm cơm rồi mời Chiến sang nói chuyện. Ông đã bỏ hết mọi sĩ diện để nói xin lỗi Chiến, nhưng khi ấy anh ta chỉ cười khẩy. Chiến còn tỏ ra rất đắc chí khi thấy cả nhà vợ khốn khổ vì mình.
Sau lần uống rượu đó, Chiến ít động tay chân với vợ hơn. Tuy nhiên, anh ta lại trơ trẽn công khai chuyện bồ bịch bên ngoài. Cứ dăm ba bữa Chiến lại thay bồ trẻ đẹp.
Chiến hằn học nói với vợ rằng: “Tôi phải cho bố mẹ cô thấy, tôi có rất nhiều gái theo, chứ phải loại bỏ đi như trước kia bố mẹ cô chửi tôi”. Nhiều người khuyên chị Tình nên ly hôn nhưng chị chỉ ậm ừ. Lý do là bởi, chị thương hai đứa con, hơn nữa bao nhiêu năm quanh quẩn ở nhà nội trợ, giờ ly hôn chị không biết làm gì để sống. Biết điểm yếu của vợ, Chiến càng được đà lấn tới.
Cách đây vài năm, Chiến quen một cô chủ tiệm áo cưới. Người phụ nữ này đã ly hôn chồng và không có con. Chị ta khéo léo đến nỗi, không chỉ khiến Chiến mê mệt mà hai đứa con của chị Tình cũng rất quấn quýt.
Qua lại với người tình vài năm, Chiến ép vợ phải đồng ý cho anh ta lấy người phụ nữ kia. Chị Tình nhiều lần nói chuyện với chồng không được đã đến gặp tình địch để dằn mặt. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, chị lại bị chồng đánh thậm tệ. Chiến nói, nếu không đồng ý để anh ta lấy vợ hai thì ly hôn. Đôi lần anh ta đưa đơn nhưng chị không ký.
Đến khi bố mẹ chị Tình lần lượt qua đời thì Chiến ngang nhiên dắt người tình về nhà. Đoạn anh ta làm một mâm cơm thông báo với họ hàng về chuyện sẽ sống chung với “vợ hai”. Bố mẹ chồng dù rất thương chị Tình nhưng cũng chẳng thể thay đổi được quyết định của Chiến.
Sau buổi ra mắt, Chiến gần như chuyển đến ở nhà người tình. Thỉnh thoảng, anh ta mới đảo qua nhà thăm hai con. Anh ta vẫn chu cấp tiền cho mẹ con chị. Tiền đó chị tiêu hàng tháng chẳng hết. Cần mua sắm hay đi chơi ở đâu, chỉ cần nói là Chiến gửi tiền ngay. Chỉ có điều, cả năm đó, chồng chẳng ngó ngàng gì đến vợ. Chị ấy cũng nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng lại… tiếc tiền.
Vài tháng sau buổi nói chuyện đó, anh Thái nhận được cuộc gọi của chị Tình. Chị cho biết, “vợ hai” của chồng đã sinh thêm một đứa con. Chị cũng bỏ mọi oán hận rồi đến thăm con riêng của chồng. Từ hôm đó, bỗng nhiên thái độ của Chiến với chị cũng khác hẳn. Chiến thường xuyên về nhà ăn cơm và còn ngủ lại với vợ.
“Tôi được biết, hiện tại Chiến đối đãi với vợ rất tốt. Chị Tình và nhân tình của chồng thỉnh thoảng còn ăn cơm và đi chơi với nhau như chị em. Đôi khi tôi cũng thấy kì lạ trước sự chấp nhận của chị Tình”, anh Thái nói.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.