Dân Việt

Không phải ai cũng cần ngủ 8 tiếng/ngày

Tùng Minh 17/06/2017 14:30 GMT+7
Theo lý thuyết, một người trưởng thành nên ngủ khoảng 8 tiếng/ngày (1/3 cuộc đời) để có tinh thần sảng khoái. Nhưng khi ngủ theo công thức này, nhiều người trong chúng ta vẫn bị mệt mỏi, uể oải toàn thời gian.

Các nhà khoa học của tổ chức National Sleep Foundation cho biết: Mỗi người trong chúng ta có số giờ ngủ khác nhau và không phải ai cũng nên ngủ tròn một giấc từ 7 đến 9 giờ đồng hồ.

Bạn có thể là một trong số những người hiếm hoi chỉ cần ngủ 4-5 giờ mỗi ngày mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, hoặc bạn có thể thuộc nhóm "ngủ lâu", những người cần đến tận 11 giờ để ngủ.

img

Không phải ai cũng nên ngủ 8 tiếng/ ngày (Ảnh: Shutterstock)

Vậy một người cần ngủ bao nhiêu giờ một ngày là đủ, và ngủ thế nào cho đúng? Dưới đây là 5 thông tin có thể giúp bạn tìm ra số giờ ngủ phù hợp với mình.

1. Hầu hết mọi người cần ngủ 8 tiếng/ngày

Hầu hết mọi người cần 7 đến 9 giờ nghỉ ngơi mỗi đêm để nạp lại năng lượng. Tuy nhiên cũng có một số lượng không nhỏ người sẽ cảm thấy khó chịu nếu tuân thủ số giờ trên.

2. Mỗi người đều có đồng hồ sinh học

David Welsh - giáo sư nghiên cứu đồng hồ sinh học, cho biết: "Chúng ta đang tự xác định đồng hồ sinh học của mình một cách thiếu chuẩn xác và phi khoa học”.

"Theo kết quả của các nghiên cứu gần đây, hầu như đồng hồ sinh học của mọi người thường giống nhau, nhưng mỗi người lại có một chút khác biệt riêng. Trong khi nhiều người có sở thích dậy sớm hơn hay trễ hơn một chút, thì có một nhóm nhỏ sẽ cảm thấy thoải mái nếu thức thật khuya hay dậy thật muộn", Welsh cho biết.

Chúng ta đều có lịch làm việc gần như giống nhau, nên cho dù một số người có ngủ đủ 8 tiếng thì vẫn mệt mỏi như thường. Nếu thời gian biểu không phù hợp với đồng hồ sinh học, họ sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi và không tỉnh táo toàn thời gian.

3. Nhu cầu ngủ thay đổi theo tuổi tác

Trong khi người lớn nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng một ngày, thì trẻ em cần phải ngủ nhiều hơn và người già nên ngủ ít đi. Thậm chí đồng hồ sinh học của mỗi người còn thay đổi tùy theo độ tuổi.

img

Số giờ một người nên ngủ mỗi ngày theo tuổi tác (Ảnh: National Sleep Foundation)

Theo các chuyên gia, các em bé thường có xu hướng dậy sớm, trẻ trong giai đoạn dậy thì thường thoải mái với phong cách “cú đêm” – thức khuya, dậy trễ, còn khi đã qua 20 thì chúng ta lại thích thú trở lại với việc dậy vào sáng sớm.

4. Một số phương pháp điều chỉnh đồng hồ sinh học

Dưới đây là một số mẹo nhỏ có thể giúp chúng ta thay đổi thời gian biểu hàng ngày hay chỉ đơn giản là giúp việc dậy sớm dễ dàng hơn.

Cơ thể chúng ta phản hồi đặc biệt với ánh sáng, đặc biệt là loại ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Việc thức dậy sẽ không còn là ác mộng nếu bạn ngủ ở một nơi ngập tràn ánh sáng lúc mặt trời mọc.

Trước khi ngủ, bạn nhớ tắt hết đèn, ngừng sử dụng điện thoại, laptop và để phòng ngủ càng tối càng tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bóng tối kích thích sự hình thành Melatonin, một loại hóc môn giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon.

5. Giấc ngủ là của riêng bạn

Đôi khi, sẽ có một vị giáo sư nổi tiếng nào đó chứng minh được một đề tài như: “Không phải 8 tiếng, một người trưởng thành chỉ nên ngủ 7 tiếng một ngày”; và mọi người bắt đầu tin sái cổ vào học thuyết ấy.

Nhưng bạn hãy nhớ rằng, mỗi người có một đồng hồ sinh học khác nhau. Phần lớn chúng ta có thể cần 7, 8 hay 9 tiếng để ngủ mỗi ngày, nhưng không có nghĩa là bạn cũng nên ngủ như vậy.

Mục đích của những nghiên cứu khoa học không phải là bắt bạn ngủ theo số giờ được nghiên cứu. Các chuyên gia chỉ muốn nói là bạn nên tìm số giờ ngủ phù hợp nhất với cơ thể của mình.

Để tìm ra đồng hồ sinh học cho riêng mình, bạn nên cố gắng tránh xa các chất kích thích như rượu và caffein, đồng thời hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Bạn cũng có thể thử ăn uống điều độ, tập thể dục chuyên cần để có giấc ngủ tốt hơn. Và quan trọng nhất, hãy cố gắng duy trì giờ ngủ hàng ngày.