Dân Việt

Gameshow sống nhờ đời tư nghệ sĩ: Không ngại vạch áo khoe lưng

Thế Phong 19/06/2017 07:00 GMT+7
Các gameshow đang có “mốt” nhằm tăng lượng người xem bằng khai thác chuyện đời tư của nghệ sĩ, người chơi, thậm chí cả giám khảo.

Bất chấp mọi thứ để nổi tiếng, hút khách

Trong thời gian vài năm trở lại đây, gameshow đã trở thành một phần không thể thiếu trên truyền hình, đầu tư ít, lợi nhuận cao, chưa kể việc thực hiện nó không khó khan và cần công sức nhiều như các hoạt động nghệ thuật giải trí khác. Có một điểm chung của rất nhiều gameshow là chuyện đời tư của các nghệ sĩ, thí sinh tham gia gameshow được khai thác và “xào đi xào lại” tới mức nhàm chán trên sân khấu.

Thực tế, hiểu biết và tài năng của con người có hạn, dù là danh hài, ca sĩ… dù đa năng đến mấy cũng không đủ sức biến hóa, sáng tạo với tốc độ làm việc chóng mặt. Vì vậy khán giả dễ nhận thấy sự lặp lại, mảng miếng, cách nói quen thuộc của nghệ sĩ ở nhiều chương trình khác nhau.

img

 Trấn Thành – Trường Giang thường xuyên đưa chuyện đời tư của mình và của người khác ra trêu đùa trên sân khấu.  ảnh: T.L 

Do cạn kiệt mảng miếng nên gần đây, khán giả còn bắt gặp nghệ sĩ thường đem chuyện riêng tư, vẻ bề ngoài của nhau để chọc cười. Trong những chương trình như Siêu bất ngờ, Ơn giời, cậu đây rồi, Thách thức danh hài… người xem không xa lạ với việc Trường Giang đưa những người phụ nữ gắn bó với Trấn Thành như Hari Won, Mai Hồ ra đùa bỡn Trấn Thành. Ngược lại, Trấn Thành đưa tên Nhã Phương – bạn gái của Trường Giang ra để trêu chọc đồng nghiệp. Còn nhớ trong gameshow “Sing my song”- Bài hát hay nhất, thay vì nhận xét về chất lượng, khả năng phần ứng thí, thì giám khảo và MC cứ đào khoét chuyện chuyển giới của thí sinh Lê Thiện Hiếu. Hay họ tạo ra một lý lịch mơ hồ của thí sinh Cao Bá Hưng là cháu 7 đời của Cao Bá Quát. Rồi chuyện gia đình riêng của Phạm Hồng Phước, Ưng Đại vệ cũng bị mang ra “giải phẫu” trên sân khấu.

Gần đây nhất, gameshow “Tình Bolero hoan ca” đã trở thành gameshow không giới hạn về chuyện… đời tư, khi các thi sinh liên tiếp “móc” đời tư của mình phơi trên sân khấu. Có lẽ khán giả cũng khá sốc sau màn giám khảo Thái Châu cầm roi răn dạy cháu gái Hà My của mình sau màn trình diễn, thì ngay sau đó cô cháu gái đã công bố "huỵch toẹt" mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với người cậu ruột Thái Châu.

Trong cuộc thi Hát mãi ước mơ phát sóng tối 10.5.2017, anh Đặng Hữu Nghị (đến từ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết thi gameshow với mong muốn mang đến niềm vui cho hai con trai bại não. Thế nhưng sau khi nhận được tiền ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, khán giả mới “tá hỏa” rằng sự thật anh Nghị không “nghèo” tới mức như anh thể hiện trên truyền hình. Anh Nghị cũng phải xin lỗi các mạnh thường quân đã giúp đỡ trong thời gian qua vì những thông tin sai lệch anh đưa ra về cuộc sống của mình, chuyện vợ con…

Cứ thế, những góc khuất đằng sau ánh hào quang của các nghệ sĩ, thí sinh dần được hé lộ trong nhiều gameshow truyền hình. Đó là những câu chuyện lần đầu tiên được kể bởi chính các nghệ sĩ hay thí sinh, những chuyện đời tư ít người biết và chưa báo chí nào khai thác được đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.

Đâu là điểm dừng ?

 Chuyện mang đời tư của nhau, của thí sinh, người chơi, giám khảo… “phơi” trên sân khấu gameshow trở thành mồi câu để kiếm lợi nhuận của các nhà sản xuất chương trình, bất chấp thị phi, bất chấp tính nhân văn cần có, bất chấp cả việc làm xấu đi hình ảnh gameshow Việt…

Việc nhà sản xuất gameshow có xu hướng “mua” đời tư giám khảo, khai thác hoàn cảnh nhiều kịch tính của thí sinh cũng là một điều kiện để cho chương trình thành công về mặt rating (lượng người xem). Và việc dựng kịch bản để đẩy những câu chuyện đời tư đến cao trào “đỉnh điểm” cũng nằm trong chiến dịch PR trong suốt quá trình thực hiện gameshow, dần trở thành chuyện bình thường. Tuy nhiên, đời tư không thể trở thành “món chính” mà chỉ là gia vị điểm xuyết cho cuộc chơi nhằm khiến khán giả bớt cảm thấy chương trình khô khan, nhàm chán.

Theo nghệ sĩ Kim Xuân, cũng khai thác đời tư, nhưng có những chương trình xem xong khán giả rất xúc động và có những chương trình xem xong lại thấy nhảm. Đó là sự khác nhau về đẳng cấp.

“Với những người nghệ sĩ thực thụ, chúng tôi không rảnh đi bán rẻ đời tư của mình. Không phải chương trình nào mời, chúng tôi cũng nhận lời, ngay cả làm giám khảo cũng phải chọn những chương trình không dễ dãi. Như chương trình Hát cùng mẹ yêu, không đơn giản khi trong đó có cả NSND Hồng Vân và những nghệ sĩ đã tạo dựng tên tuổi bằng nghệ thuật. Đây là chương trình chia sẻ cảm xúc để mọi người nhìn thấy tình cảm gia đình, những góc khuất phía sau nghệ sĩ…” -, nghệ sĩ Kim Xuân bộc bạch.

Diễn viên La Thành cũng từng tham gia gameshow nhưng anh phản đối việc mang đời tư nghệ sĩ ra chọc cười khán giả. “Qua một gameshow với mười mấy số phát sóng không thể trở thành diễn viên được. Họ chỉ làm được vài năm thôi, sau đó không thể theo được vì lực diễn không có” - nam diễn viên khẳng định.

Khi gameshow Việt vẫn đang không ngừng “nở” về số lượng trên sóng truyền hình, nhiều người muốn “đổi đời” hay tạo tên tuổi, đánh bóng lại tên tuổi qua gameshow. Nhưng cứ dùng mãi chiêu “phơi” đời tư mình trên sân khấu, e rằng có ngày các gameshow sẽ làm cho nghệ sĩ bị “rơi tự do” khi khán giả ngoảnh mặt bởi cuối cùng đó chỉ là thị phi showbiz, là chiêu trò lừa tình cảm khán giả.

Chất lượng vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại, khả năng “sống lâu” của chương trình gameshow. Tài năng đích thực mới là “chất”, là “đỉnh” giúp các thí sinh ghi dấu ấn trong lòng khán giả./.