Ngày 29.11, thông tin từ Bộ GTVT cho biết đã nhận được báo cáo về chất lượng nền, mặt đường và xử lý hư hỏng cục bộ mặt đường đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng như xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM).
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua tỉnh Long An hư hỏng nặng |
Văn bản do tổng giám đốc Cuu Long CIPM Dương Tuấn Minh ký gửi Bộ GTVT, đã có bốn cán bộ liên quan phải nhận hình thức kỷ luật.
Cụ thể, quyết định cách chức giám đốc điều hành dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với ông Lã Chí Đức và bố trí công tác khác, khiển trách ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Cuu Long CIPM (phụ trách dự án), nghiêm khắc phê bình ông Nguyễn Huy Thao - giám đốc Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, khiển trách ông Lê Văn Ngoạn - phó giám đốc Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo báo cáo của Cuu Long CIPM, các “ổ gà” xuất hiện trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương rải rác chủ yếu trên đoạn tuyến từ km 24+300 đến km 27+300 do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thi công từ cuối năm 2010. Các đơn vị liên quan đã xác định nguyên nhân mặt đường hư hỏng không phải do nền móng đường không đủ cường độ, không phải do thiết kế.
Nguyên nhân chính gây hư hỏng là trong quá trình sản xuất bêtông nhựa, thiết bị của Cienco 5 hoạt động không ổn định (Cineco 5 sử dụng hai trạm trộn bêtông đã cũ), dẫn tới một số mẻ bêtông hạt mịn có chất lượng không đồng đều gây hư hỏng mặt đường tại một số vị trí. Thí nghiệm mẫu tại hiện trường cho thấy hàm lượng nhựa trong hỗn hợp bêtông nhựa ở những nơi hư hỏng thấp bất thường.
Đầu tháng 11.2011, Cuu Long CIPM đã họp kiểm điểm và kết luận toàn bộ kinh phí sửa chữa, hoàn trả các lớp bêtông nhựa đều do các đơn vị thi công, chủ yếu là Cienco 5, trực tiếp thanh toán (không sử dụng vốn của dự án để thanh toán cho công tác sửa chữa này), số kinh phí sửa chữa đợt 1 (tháng 11.2011) là 19,24 tỉ đồng đã được trừ vào kinh phí tạm giữ bảo hành của các nhà thầu.
Trong năm 2010, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (tiền thân của Cuu Long CIPM) đã xử lý kỷ luật ông Lã Chí Đức với hình thức cảnh cáo, phê bình và không công nhận các danh hiệu thi đua năm 2010 đối với ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận phụ trách dự án.
Còn tập thể Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhận thức sâu sắc đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình điều hành và chỉ đạo cho dự án tiếp theo. Cuu Long CIPM cho rằng “với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, trước tiên phải khẳng định việc hư hỏng cục bộ lớp mặt đường hoàn toàn không do cố ý hoặc giảm tiêu chuẩn, hàm lượng cốt liệu làm phát sinh hư hỏng mặt đường”.
Cuu Long CIPM cũng cho biết các “ổ gà” xuất hiện vào trung tuần tháng 10.2011 nhưng do ảnh hưởng của mùa mưa nên không thể thực hiện thi công đào, vá sửa bằng bêtông nhựa nóng nên đã chỉ đạo các nhà thầu tổ chức vá tạm bằng bêtông nhựa nguội có lu lèn.
Đến nay, bắt đầu vào mùa khô, Cuu Long CIPM đã chỉ đạo nhà thầu tổ chức sửa chữa triệt để các hư hỏng từ ngày 15.11 bằng biện pháp cào bóc các lớp bêtông nhựa tại vị trí hư hỏng cục bộ và rải lại các lớp bêtông nhựa mặt đường theo quy định kỹ thuật của dự án. Việc sửa chữa các vị trí hư hỏng dự kiến hoàn thành trước ngày 15.12. Toàn bộ kinh phí sửa chữa đợt 2 đều do các đơn vị thi công (chủ yếu là Cienco 5) trực tiếp thanh toán.