Nếu ngư dân bắt thay máy mới, công ty chỉ còn đường tự vẫn?
Mặc dù, ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát đã có văn bản gởi đến cơ quan chức năng với cam kết thay mới toàn bộ máy Mitsubishi chính hãng cho ngư dân. Thế nhưng, theo tìm hiểu của Dân Việt đằng sau bản cam kết này lại hé lộ một sự thật khác.
Tàu 67 hư hỏng, ngư dân Bình Định đối mặt với nỗi lo nợ ngân hàng. Ảnh: D.T
Theo ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), sáng 15.6, bà Nguyễn Thị Sinh tự giới thiệu là vợ ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP.Hồ Chí Minh) đã ra Hoài Nhơn để gặp gỡ ngư dân và đặt vấn đề sửa chữa máy Mitsubishi.
“Bà Sinh cho rằng, nếu thay toàn bộ máy Mitsubishi mới như trong cam kết thì công ty không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, họ xin được sửa chữa. Nhưng tôi không đồng ý, ai đúng ai sai thì phải làm tới nơi, tới chốn. Nghị định 67 là phải máy mới chứ không sửa chữa gì hết. Không chỉ riêng máy mà kể cả thép đóng tàu cũng vậy” - ông Công khẳng định.
Ngư dân yêu cầu thay máy, thép mới theo đúng hợp đồng đóng tàu 67. Ảnh: D.T
Theo ngư dân Nguyễn Công Đồng- chủ tàu vỏ thép BĐ 99047 TS, đại diện Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát đã đến đặt vấn đề với ông về việc khắc phục lại các sự cố hư hỏng máy trên tàu. Lý do được đưa ra là hiện tại công ty không đủ khả năng đền bù máy mới.Tuy nhiên, ngư dân yêu cầu nhất định phải đền máy mới như trong hợp đồng.
“Khi bắt đầu đóng tàu, ngư dân góp ý để tự chọn máy thì họ không chịu. Giờ máy hỏng, họ bảo để khắc phục sự cố nếu không đồng ý thì ngư dân đã dồn công ty vào con đường cùng?. Ngư dân cứ ép thay máy mới, họ sẽ tự vẫn chứ họ hết đường rồi, chúng tôi quá bất ngờ. Ngư dân không chịu, giờ máy tàu như vậy thì phải thay máy mới thôi"- ông Đồng kể lại.
Việc "thương thảo" sai hoàn toàn!
Ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS cho hay: “Đại diện công ty đã gặp ngư dân năn nỉ để cho công ty sửa chữa, khắc phục máy. Còn dư tiền bao nhiêu thì họ sẽ tính lại cho ngư dân nhưng chúng tôi không chịu. Máy của tôi theo hợp đồng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng giờ hư hỏng thì ai dám sửa chữa. Chưa kể, công văn công ty gởi đi cam kết thay máy mới mà giờ họ lại năn nỉ sữa chữa, chúng tôi nhất quyết không chịu”.
Để tìm hiểu sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát nhưng ông không bắt máy.
Căng thẳng kiểm tra máy hư hỏng trên tàu của ngư dân Bình Định. Ảnh: D.T
Trưa nay (16.6), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định xác nhận đã nắm được thông tin đại diện Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát “thương thảo” với ngư dân để sửa chữa chứ không thay máy mới.
“Việc thương thảo với ngư dân là sai hoàn toàn, vì Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát không ký hợp đồng với ngư dân mà ký trực tiếp với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Vì vậy, Công ty Hoàng Gia Phát muốn làm gì cũng phải thông qua công ty Nam Triệu ”- ông Hổ lý giải.
Theo ông Hổ, thời gian qua Sở NNPTNT đã yêu cầu công ty TNHH MTV Nam Triệu cung cấp hồ sơ đóng tàu với ngư dân để Tổ thẩm định kiểm tra nhưng phía công ty chưa cung cấp.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu ngân hàng BIDV cung cấp hồ sơ đóng tàu và Tổ thẩm định đang trong quá trình tổng hợp, báo cáo kết quả. Còn việc đơn vị cung cấp máy thương thảo thì kệ họ, dù ngư dân đồng ý sửa chữa máy quan điểm của chúng tôi vẫn kiên quyết không được. Đây là trách nhiệm của công ty TNHH MTV Nam Triệu, nếu thay hay sửa chữa có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm”- ông Hổ khẳng định.
Trước đó, ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP.Hồ Chí Minh) đã có văn bản gởi cơ quan chức năng về việc cam kết thay máy mới Mitsubishi cho ngư dân đóng tàu 67 bị hỏng. Ông Phong khẳng định: “Với trách nhiệm là đơn vị cung cấp máy, tôi cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu đã lắp đặt máy của chúng tôi, tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công trong vòng 1-3 tháng”. Tuy nhiên, đằng sau văn bản này lại xuất hiện một sự thật hoàn toàn khác. |