Dân Việt

Bao giờ sông Sài Gòn tấp nập du khách được như sông Seine?

Giang Thanh – Đằng Giang 17/06/2017 06:30 GMT+7
Cụm từ tái lập hình ảnh “trên bến dưới thuyền” như sông Seine ở Paris có lẽ được chính quyền TP.HCM nhắc đi, nhắc lại ít nhất nửa thập kỷ qua, làm biết bao người nôn nao chờ đợi...

Thế nhưng, nhìn cái nhà chờ của bến thuyền của công ty Thuyền Sài Gòn, đơn vị “thực thi nhiệm vụ” tái lập cảnh trên bến dưới thuyền cho dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ai thấy cũng nản lòng. Tour tuyến mới hoạt động khoảng hai năm nay đã gần như dừng hẳn. Bây giờ ở đó là một “quán cà phê”.

img

Người Sài Gòn đang kỳ vọng được đi tuyến buýt đường sông vào cuối tháng 6.

Làm cho có

“Cảnh trên bến dưới thuyền đâu không thấy, chỉ thấy công ty này “quây” đất công dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để kinh doanh, gây cản trở giao thông bộ và gây mất mỹ quan đô thị”, bà Thanh, nhà ở gần bến thuyền của công ty Thuyền Sài Gòn trên đường Hoàng Sa, đoạn gần chùa Chantarangsay, quận 3, bức xúc nói và chia sẻ thêm: kinh doanh bằng đất công không mất một xu này ai mà không khoái.

Một nhà báo chuyên viết mảng du lịch đã bình luận trên trang cá nhân thế này: hôm qua nhìn mấy chiếc thuyền nằm lẫn trong đám rác ở kênh Nhiêu Lộc, đoạn gần cầu Thị Nghè mà đau lòng!

Tương tự, sau gần chục năm đeo đuổi, cuối cùng tuyến buýt đường sông đầu tiên hoạt động trên sông Sài Gòn được lên lịch vận hành vào tháng 6.2017. Tuy nhiên, đến nay đã giữa tháng nhưng mọi thứ vẫn bề bộn. Tuyến đầu tiên chuẩn bị đưa vào hoạt động dài khoảng 10,8km, bắt đầu từ bến Bạch Đằng, quận 1, theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa rồi trở lại sông Sài Gòn và kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới, phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

Dọc tuyến này có bảy trạm dừng thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Hình thức vận hành tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ nội địa này như một tuyến “buýt” với lộ trình, điểm đón – trả khách cố định. Vậy mà, qua ghi nhận thực tế của phóng viên, dù thời gian đưa vào vận hành tuyến “buýt” đường sông này đã sắp hết, nhưng nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin sắp tới họ sẽ đi lại như thế nào.

Chiều 7.6, có mặt tại bến khách ngang sông Bình Quới – điểm cuối của tuyến số 1, phóng viên ghi nhận việc thi công điểm dừng đón – trả khách khá im ắng. Một số người dân địa phương khi được hỏi các thông tin liên quan đến việc xây trạm dừng, hình thức hoạt động của tuyến “buýt” đường sông tỏ ra ngơ ngác. Chỉ riêng vài nhân viên bán vé qua phà ở hai đầu bến – những người thường trực có mặt tại đây – cho biết cũng chỉ nắm sơ về việc khu vực này sẽ được xây trạm dừng.

Dù vậy, vị trí cụ thể trạm dừng ở đâu, xây dựng thế nào thì không ai nắm rõ, mà chỉ biết chung chung là ở phía bến đò thuộc phường Linh Đông. Tại khu vực này, ngoài lối lên xuống bến phà, phóng viên ghi nhận một đoạn bờ kè đã được xây dựng kiên cố và khá thoáng đãng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy dấu hiệu thi công hay các bảng thông tin, biển báo liên quan đến trạm dừng của tuyến “buýt” đường sông sắp đưa vào vận hành.

Nóng vội sinh nông nổi

Chủ đầu tư tuyến du lịch trên bến dưới thuyền ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết doanh nghiệp đã bỏ cả hơn chục tỷ đồng để đầu tư du thuyền trên kênh theo chủ trương và khuyến khích của lãnh đạo thành phố, sở Du lịch với bao lời hứa hẹn, giờ đổ sông đổ biển vì nhiều lẽ. Mùa nước lớn, đường ống nhựa to bắc ngang qua kênh đoạn gần cầu Lê Văn Sỹ, khiến thuyền không chui qua được. Năm lần bảy lượt đề xuất tháo gỡ, vì đường ống này không còn sử dụng nữa, nhưng không ai quan tâm.

Đường ven kênh, ban đầu được thành phố chấp thuận cho đậu xe lớn để du khách xuống từ đó vào phòng chờ và lên thuyền, nhưng sau lại không được chấp thuận. Bãi giữ xe gắn máy, xe khách cũng không có; xây dựng nhà vệ sinh ở nhà chờ cũng không được; nhà chờ cũng không được mở rộng; bến thuyền cũng không được làm kiên cố… Những khó khăn đó đều được hứa hẹn trước khi đầu tư, nhưng sau đó trở thành hứa… hão.

Thực ra, tuyến du lịch này là nóng vội sinh nông nổi! Còn nhớ, năm 2015, thời điểm sau khi TP.HCM vừa tách du lịch ra khỏi ngành văn hoá – thể thao, chính thức lập sở Du lịch đầu tiên trong cả nước, sở Du lịch muốn có một vài dự án, sự kiện hoành tráng để khẳng định tách sở là cần thiết. Những người đang lái con thuyền du lịch ở TP.HCM hình như đã thấy được cái vội, cái vàng của sản phẩm trên bến dưới thuyền trên hoặc “muốn làm riêng” sản phẩm của mình, nên sự vụ ở dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè khó xuôi chèo.

Tương tự, ông Phạm Công Bằng, trưởng phòng Quản lý vận tải thuỷ sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư là công ty TNHH Thường Nhật gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến số 1. Trước mắt, tuyến này sẽ bảo đảm đưa vào khai thác vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.2017. Sau đó, những hạng mục nào chưa xong, các đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Cái nào cũng đòi làm nhanh, làm gấp để khi xảy ra lỗi thì cứ thế tại và bị là lẽ đương nhiên. Chưa nói, với cách làm và đổ lỗi như hiện tại thì đến bao giờ Sài Gòn có lại cái cảnh trên bến dưới thuyền đúng nghĩa, như nó đã từng.