Dân Việt

Dấu ấn của Việt Nam trong hợp tác du lịch APEC

Hoàng Anh Tuấn 19/06/2017 09:38 GMT+7
Việt Nam tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên.

Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 tại Hội An năm 2006. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC”. Việt Nam tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, khách du lịch từ các nền kinh tế APEC đến Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu lượt trong tổng số 10 triệu lượt, tức chiếm 81% tổng khách quốc tế đến Việt Nam…

img

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn cao cấp APEC về du lịch tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh) sáng 19.6.2017.

APEC 18 tổ chức tại Hà Nội năm 2006 đã tạo ra sự phát triển “thần kỳ” cho hoạt động thương mại, đầu tư thế giới. APEC tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm 2017 được kỳ vọng sẽ lặp lại kỳ tích này.

Năm 2017 được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc chọn là Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố chính thức vào tháng 1/2017 tại Madrid, Tây Ban Nha. Trong thời gian qua, các nền kinh tế và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển.

Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững, để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững trong APEC, hưởng ứng Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời cũng hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển của Liên Hợp quốc. Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC sẽ được tổ chức tại Hạ Long ngày 19.6.2017.

Đây là sự kiện quan trọng trong Năm APEC Việt Nam 2017, sau Hội thảo kỹ thuật về du lịch bền vững đã được tổ chức nhân dịp Phiên họp Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) vào tháng 2.2017 tại Nha Trang. Đối thoại tổ chức ngày 19.6.2017 tại Hạ Long (Quảng Ninh), dự kiến có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)…

Việc tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững. Trước bối cảnh phát triển bền vững đang là chủ đề được quan tâm tại các diễn đàn du lịch thế giới nói chung và khu vực APEC nói riêng, Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC là cơ hội để các nền kinh tế cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác, hội nhập trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

Dự kiến các nhà Lãnh đạo Du lịch APEC sẽ thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC, khuyến khích Nhóm công tác du lịch: Tập trung vào sự bền vững và toàn diện về xã hội, kinh tế và tài chính trong các hoạt động trong tương lai khi du lịch là ngành có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các cơ hội đối với các nền kinh tế APEC; thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường tăng trưởng toàn diện thông qua việc tạo điều kiện để du lịch phát triển tại nhiều khu vực địa lý hơn nữa ở các nền kinh tế; cân nhắc việc thành lập mạng lưới các điểm đến du lịch phát triển đồng bộ, bền vững và toàn diện giữa các nền kinh tế; hợp tác với các diễn đàn khác trong APEC và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan nhằm chia sẻ các điển hình tốt và thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong phát triển du lịch bền vững; nhấn mạnh các điển hình tốt của các nền kinh tế về phương pháp theo dõi và đo lường nhằm phát triển du lịch bền vững giữa các nền kinh tế.

Hợp tác du lịch trong APEC chính thức được khởi đầu từ năm 1991 cùng sự hình thành của Nhóm Công tác Du lịch APEC (TWG). Năm 2000, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ nhất tổ chức tại Hàn Quốc đã thông qua Hiến chương Du lịch APEC, một văn kiện quan trọng mang tính định hướng và tạo nền tảng cho hợp tác du lịch APEC.

Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC họp 2 năm/lần, mỗi Hội nghị đều ra Tuyên bố thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo du lịch APEC nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là công cụ tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, tạo điều kiện phát triển.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), các điểm đến APEC thu hút 415 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2016, tăng 6,1%, tương đương 24 triệu so với năm 2015. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2016, du lịch và lữ hành đóng góp trực tiếp 1.300 tỷ USD vào GDP của khu vực APEC, đóng góp 67 triệu việc làm trực tiếp (tăng 3,7% so với năm 2015) và 6,1% cho xuất khẩu khu vực.