Dân Việt

Lance Armstrong: "Chết" vì ngoan cố

15/01/2013 18:32 GMT+7
Dân Việt - Lẽ ra Armstrong không bị tước cả 7 Áo vàng Tour de France, cũng như không bị cấm thi đấu suốt đời nếu như sớm nhận tội và khai ra các "đồng bọn".

Ngày 17.1 tới, cuộc đối thoại giữa Lance Armstrong với “nữ hoàng talk show” Oprah Winfrey sẽ lên sóng truyền hình. Nhiêu người cho rằng đó là thời điểm thích hợp để tay đua từng được coi là huyền thoại của làng xe đạp thế giới chính thừa nhận tội sử dụng doping khi còn thi đấu.

Nhưng trên thực tế, dù Armstrong có nói gì đi nữa thì anh cũng đã trở thành tội đồ trong mắt nhiều người.

img
Armstrong đã giữ lại được 5 danh hiệu Áo vàng Tour de France nếu trung thực hơn.

Tuy nhiên, có một chi tiết cần biết: lẽ ra, Armstrong đã không bị tước cả 7 danh hiệu Áo vàng Tour de France (1999-2005), cũng như không bị cấm thi đấu suốt đời nếu sớm nhận tội và hợp tác với Cơ quan chống doping Mỹ (USADA).

Nhiều năm qua, việc sử dụng chất kích thích để nâng cao thành tích thi đấu đã trở thảnh vấn nạn trong môn đua xe đạp. Bất cứ cua-rơ nào, từ vô danh tới nổi tiếng, đều có thể “nhúng chàm”. Trước thực trạng đó và với quyết tâm tìm ra “đường dây” những tay đua sử dụng chất kích thích, USADA đã liên hệ với Armstrong.

Trong cuộc gặp giữa hai bên, USADA đã đề nghị Armstrong nêu tên các tay đua trong đội Bưu điện Mỹ có sử dụng chất kích thích. Đổi lại, USADA sẽ “khoan hồng” cho Armstrong bằng cách chỉ tước 2 danh hiệu Áo vàng Tour de France các năm 2004-2005, đồng thời chỉ đình chỉ thi đấu có thời hạn với tay đua này.

Nhưng khi đó, Armstrong đã lớn tiếng khẳng định, anh không nêu tên ai và cũng chẳng sợ gì bởi bản thân trong sạch.

Không thương thuyết được với Armstrong, USADA quay ra đàm phán với… 11 đồng đội của anh này. Cách thức không có gì thay đổi: Yêu cầu các tay đua nêu tên những người sử dụng doping, đổi lại họ sẽ được giảm án cấm thi đấu.

Chẳng mạnh miệng và ngoan cố như Armstrong, tất cả các đồng đội của anh đã khai báo rất chi tiết và hóa ra, chính Armstrong lại là chủ mưu trong việc dùng chất kích thích để nâng cao thành tích.

Có được những bằng chứng thuyết phục, USADA không còn nhẹ tay với Armstrong. Họ lập tức đưa ra những án phạt rất nặng với anh. Phần còn lại của vụ tiêu cực chấn động làng thể thao thế giới năm 2012 thì tất cả đã biết, Armstrong đã mất tất cả và từ người hùng trở thành “kẻ lừa đảo thế kỷ”.

Đúng là ngoan cố thành...quá cố. Nếu biết thành khẩn, có lẽ Armstrong đã không phải kết thúc sự nghiệp trong cay đắng như hiện tại.