Trước đó từng có nghiên cứu khoa học khẳng định việc lập gia đình và duy trì mái ấm hạnh phúc là yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ, đặc biệt đối với nam giới. Tuy nhiên chưa có công trình nào nói về mối liên hệ giữa tình trạng độc thân và nguy cơ tử vong ở độ tuổi trung niên.
Nghiên cứu lần này được thực hiện bởi Tiến sĩ IIene Siegler và đồng nghiệp ở khoa Khoa học hành vi, Đại học Duke, Bắc Carolina, Mỹ. Nhóm nhà khoa học này khẳng định việc sống độc thân tăng nguy cơ tử vong khi người ta bước vào tuổi trung niên. Cụ thể những người sống độc thân ở độ tuổi sau 40 hoặc "lỡ một lần đò" mà không tái hôn thì dễ mắc phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, khó sống qua tuổi 60.
Ngay cả khi có thói quen hút thuốc hay uống rượu như nhau thì những người kết hôn vẫn sống thọ hơn từ 2 đến 3 lần so với người độc thân.
"Hãy kết hôn để sống thọ hơn", đó là lời khuyên của các nhà khoa học. Ảnh: ABM. |
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hồ sơ y khoa trong vòng 10 năm của 4.802 người độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi ở Bắc Carolina. Họ được chia làm 2 nhóm: độc thân và đã lập gia đình. Những tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia như tình trạng kinh tế xã hội, những hành vi làm tổn hại sức khỏe cũng được xem xét. Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 10 năm đã có 238 người chết, 32 người là phụ nữ.
Thống kê và phân tích hồ sơ dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy, trong số những trường hợp tử vong thì người độc thân chiếm đến 3/4. Trong khi đó các yếu tố về tính cách và lối sống cũng được tính đến như thói quen hút thuốc, uống rượu, không tập thể dục...
Các nhà nghiên cứu lý giải rằng, mặc dù việc kết hôn chưa chắc hoàn toàn có lợi cho sức khỏe, nhưng nó tác động tích cực đến lối sống của con người. Chẳng hạn khi có một gia đình hạnh phúc thì người ta có xu hướng sống lành mạnh hơn, chọn những loại đồ ăn, đồ uống tốt cho sức khỏe hơn. Bên cạnh đó họ cũng có nhiều bạn bè hơn và biết quan tâm nhau nên hạnh phúc hơn. Ngược lại, khi sống độc thân, ít mối quan hệ, nên có xu hướng "thả rông" cơ thể và dễ hình thành những thói quen xấu, nhất là ở giai đoạn tuổi trung niên.
Trước đây một nghiên cứu quy mô lớn ở 7 nước châu Âu cũng ghi nhận, những người đã kết hôn có sức khỏe tinh thần lẫn thể chất đều tốt hơn, nhờ đó giảm được 15% tỷ lệ tử vong so với người độc thân. Riêng những bệnh nhân được cấy ghép tim nhân tạo, khi có sự hỗ trợ của vợ hoặc chồng thì kéo dài thêm 15 năm tuổi thọ so với những người chưa bao giờ kết hôn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy việc kết hôn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzeimer (mất trí nhớ). Nhóm người độc thân có nguy cơ bị mắc bệnh này cao gấp hai lần so với nhóm đã kết hôn. Với những người ly dị mà không tái hôn ở độ tuổi trung niên mắc bệnh này cao gấp ba lần. Thậm chí ngay cả khi mắc bệnh ung thư thì những người đã kết hôn vẫn sống lâu hơn người độc thân hoặc đã ly dị.
Phát biểu trên tạp chí Annals of Behaviotal Medicine, bà IIene, trưởng nhóm nghiên cứu nói: "Tóm lại, việc lập gia đình sẽ giúp người ta sống lâu hơn. Tình trạng độc thân hoặc không tái hôn làm tăng nguy cơ tử vong và giảm tuổi thọ".