Dân Việt

Bắn hạ cường kích Syria, Mỹ có thể châm thùng thuốc súng Trung Đông

Vũ Hoàng 21/06/2017 11:58 GMT+7
Hành động bắn máy bay Syria có thể biến Mỹ thành kẻ thù của nhiều cường quốc trong khu vực.

 

img

Tiêm kích F/A-18E Super Hornet Mỹ cất cánh từ tàu sân bay. Ảnh: Reuters.

Việc tiêm kích Mỹ hôm 18.6 bắn hạ cường kích Syria để bảo vệ lực lượng nổi dậy tại thành phố Raqqa đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Syria và Nga. Giới chuyên gia nhận định cách phản ứng quyết liệt từ các bên sau vụ việc này khiến nguy cơ về một cuộc xung đột bất ngờ giữa các nước lớn trên chiến trường Syria đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, theo Washington Post.

Theo giới phân tích, tình hình Syria đang nóng lên khi Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận tránh va chạm với máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu trên không phận Syria, đồng thời đe dọa coi mọi phi cơ hoạt động ở bầu trời phía tây nước này là "mục tiêu".

Chiến trường Syria không chỉ nóng lên với những hành động quyết liệt của Mỹ và Nga. Iran ngày 18/6 phóng một loạt tên lửa tầm trung vào vùng đất do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát ở phía đông Syria, đánh dấu lần đầu tiên Tehran chính thức tấn công một nhóm cực đoan tại quốc gia láng giềng, khơi mào cho những động thái quân sự quyết liệt hơn nhằm chống lại các kẻ thù trong khu vực.

Pavel Baev, chuyên gia về quân đội Nga tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho rằng phản ứng của Nga sau vụ việc "chủ yếu nhằm thị uy" nhưng "cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi có rất nhiều ngón tay lo âu đang đặt trên những nút bấm nguy hiểm".

Theo Baev, "nút bấm" đó có thể được kích hoạt thùng thuốc súng Trung Đông bất cứ lúc nào nếu máy bay của quân đội Syria hoặc không quân Nga tiếp tục ném bom vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tổ chức vũ trang được Mỹ hậu thuẫn về vũ khí và huấn luyện.

SDF đang dồn lực lượng bao vây thành trì Raqqa của IS ở Syria, trong khi quân đội chính phủ nước này cũng đang nỗ lực giành lại các vùng đất do phiến quân kiểm soát. Nếu một cuộc đụng độ giữa hai lực lượng này nổ ra, Mỹ sẽ phải ra mặt bảo vệ đồng minh, song đi kèm với đó là nguy cơ kích động căng thẳng với quân đội Nga, Iran và Syria ở Raqqa. 

Khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát từ một sự cố nghiêm trọng, Mỹ rất có thể sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột mới ở Syria, nơi mục tiêu tiêu diệt IS nhường chỗ cho cuộc đấu đá giữa các phe nhóm, Baev nhận định.

Bà Gayle Tzemach Lemmon, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nhấn mạnh hành động của Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Syria là "bước leo thang nguy hiểm trong một cuộc chiến mà Washington không có ý định tham gia".

Quân đội Mỹ dường như cũng nhận ra nguy cơ này, khi tuyên bố rằng họ không hề có ý định đối đầu với lực lượng của chính phủ Syria hay Nga. Đại tá Ryan Dillon, người phát ngôn của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho hay "những nền tảng thích hợp" đã được đưa ra nhằm giúp đảm bảo các chiến dịch quân sự tiếp tục tập trung vào mục tiêu chống IS.

"Tham gia vào cuộc chơi thách đố không phải điều mà quân đội đôi bên mong muốn, chúng đều là công cụ chính trị, nhưng không hề khôn ngoan ở thời điểm hiện tại, kể cả với Moscow lẫn Washington", ông Baev nhận xét.

Trong khi đó, nhiều quan chức Nga cho rằng Mỹ đang muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Nga sau vụ bắn hạ cường kích Syria. Ông Frants Klintsevich, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, gọi đây là hành vi "hung hăng và khiêu khích".

"Có vẻ Donald Trump của nước Mỹ là nguồn cơn cho những mối nguy hiểm mới ở cả Trung Đông và trên toàn thế giới", Klintsevich viết trên trang Facebook cá nhân.