Ông Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với NTNN/Dân Việt.
Ông Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.
Nhanh nhưng phải chính xác
Thưa ông, có nhiều ý kiến nhận xét thời gian qua, có những sự kiện nóng bỏng, nhạy cảm nhưng báo chí vào cuộc hơi chậm, để mạng xã hội lấn lướt. Ông nghĩ sao?
- Về nguyên tắc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội báo chí luôn luôn phải chủ động thông tin. Sự phản ánh của báo chí góp phần quan trọng vào việc xây dựng phát triển đất nước, đấu tranh chống những sai trái, tiêu cực. Theo chủ trương chung, bao giờ báo chí cũng phải chủ động thông tin nhanh. Nhưng điều quan trọng là thông tin phải chính xác kịp thời, tránh gây hiểu lầm trong xã hội, cũng như bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Có thể nói những vấn đề phức tạp, nóng bỏng, nhạy cảm luôn xuất hiện trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trách nhiệm của báo chí phải tham gia vừa phản ánh sự kiện đó, giúp cho các cơ quan chức năng hiểu rõ bản chất vấn đề, đồng thời giúp cho người dân hiểu và nhận thức đầy đủ.
Trước những vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm, về cơ bản chúng tôi khuyến khích các cơ quan báo chí phát hiện sớm, cung cấp thông tin nhiều chiều để người dân và các cơ quan chức năng biết được vấn đề. Điều quan trọng là thông tin phải khách quan, mang tính xây dựng đảm bảo cho việc giữ vững ổn định xã hội, tránh để thế lực xấu khai thác, lợi dụng.
Trước những thông tin nóng, nhạy cảm, với chức năng định hướng tư tưởng, Ban Tuyên giáo T.Ư có hướng xử lý, giải quyết thế nào để báo chí không gặp "rào cản" khi vào cuộc, phản ánh thông tin thưa ông?
- Định hướng cho báo chí nói chung trước những các sự kiện, vấn đề phức tạp, nhạy cảm nói riêng, Ban Tuyên giáo T.Ư có nhiều cách thức để triển khai. Trước hết chúng tôi thông tin cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần, thông qua những cơ quan chịu trách nhiệm chính ở những địa bàn để có thông tin từ đầu nguồn. Chúng ta đều thấy phần lớn những vụ việc phức tạp thời gian qua đã được các cơ quan chức năng thông qua giao ban báo chí để trực tiếp cung cấp thông tin.
Thứ hai, chúng tôi cũng có những hình thức như phát tài liệu cho những cơ quan báo chí ở những thời điểm xảy ra những vụ việc nóng.
Thứ ba, trước những diễn biến của vụ việc có thể phức tạp hơn, thời gian kéo dài hơn đòi hỏi phải có định hướng, căn cứ vào chỉ đạo của cấp trên (chính là định hướng tư tưởng), chúng tôi hướng dẫn cho các cơ quan báo chí những nội dung cần tập trung, những vấn đề cần đi sâu để đảm bảo thông tin khách quan, cũng như đóng góp giúp cho địa phương nơi xảy ra vụ việc phức tạp, nóng bỏng sớm ổn định đời sống xã hội.
Mục tiêu cao nhất của báo chí là phản ánh thông tin, nhưng thông tin đó phải giúp cho việc ổn định và phát triển đất nước, chứ không phải vì phản ánh của báo chí mà chúng ta không kiểm soát được thông tin để các thế lực lợi dụng vào những việc đó, làm ảnh hưởng đến tình hình đời sống xã hội.
Sự vào cuộc của báo chí trong vụ việc Đồng Tâm được đánh giá là chân thực,góp phần ổn định tình hình. Ảnh: V.H
Phải thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng
Từ những sự kiện nóng bỏng đã xảy ra, cơ quan định hướng đã rút ra kinh nghiệm gì để giúp cho việc chỉ đạo báo chí nhanh hơn, tốt hơn thưa ông?
- Việc rút kinh nghiệm chắc chắn sẽ có nhiều, bởi vì quá trình vận động của thực tiễn luôn luôn sinh động, luôn xuất hiện những vấn đề mới, thậm chí có những chủ trương, những quy định của chúng ta chưa hoàn thiện cũng có những vướng mắc khi thực hiện. Có thể thấy, từ công tác chỉ đạo, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cử phóng viên tham gia phản ánh sự kiện nóng, chất lượng của những nhà báo... những khâu đó cũng có vấn đề. Bên cạnh đó, trách nhiệm của địa phương, sự phối hợp giữa T.Ư và địa phương, cách phát ngôn để đảm bảo cho việc thông tin đúng, khách quan cũng cần được rút kinh nghiệm.
Hiện nay chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của T.Ư xây dựng một văn bản mới. Đó là tăng cường sự lãnh đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống các biểu hiện tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội. Văn bản này sẽ góp phần rà soát lại tất cả những văn bản hiện có, xử lý những bất cập.
Văn bản này cũng sẽ đề cập tới đội ngũ phóng viên, biên tập viên khi tiếp xúc với mạng xã hội cũng như trách nhiệm đấu tranh chống cái sai.
Thưa ông, trong không ít sự kiện nóng, nhạy cảm, ban đầu mạng xã hội có dấu hiệu lấn lướt báo chí, việc này cũng đang đặt ra thách thức không nhỏ với báo chí. Ban Tuyên giáo T.Ư cần có thay đổi gì trong công tác chỉ đạo để giúp các cơ quan báo chí vào cuộc sớm trước những sự kiện nóng, phức tạp thưa ông?
- Sự phát triển của mạng xã hội là một thực tế đang diễn ra hiện nay. Công nghệ càng phát triển, mạng xã hội càng đến với tất cả mọi người dân trong đó đặc biệt là giới trẻ, những thông tin trên mạng xã hội tác động tư tưởng đến với mọi người là một thực tế.
Chúng tôi cũng đã nói nhiều lần trong giao ban báo chí, đối với người làm báo trước hết là trách nhiệm xã hội, đạo đức, tác nghiệp, khi tham gia mạng xã hội không được nêu những vấn đề vi phạm đến quy định về đạo đức của người làm báo, cũng như đạo đức truyền thống của dân tộc. Thứ hai không được nêu những vấn đề có tính chất nội bộ của cơ quan, đơn vị. Thứ ba có trách nhiệm phê phán cái sai khi tham gia mạng xã hội về những vấn đề mà mình biết.
Những thông tin nóng, nhạy cảm, thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan. Trước hết ở lĩnh vực nào, đơn vị nào chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan đó trả lời để báo chí có thông tin sớm nhất. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp để làm sao trước những vấn đề nóng đăng tải trên mạng xã hội được dư luận quan tâm, sẽ có những hình thức để đảm bảo cung cấp những thông tin chính thống giúp cho người dân và dư luận hiểu rõ hơn.
Đối với báo chí, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, khách quan rõ ràng phải có nỗ lực lớn, tuy nhiên không thể nóng vội chạy theo sự dẫn dắt của mạng xã hội rồi đưa thông tin không phù hợp gây bất ổn.
Chính vì thế những người làm báo phải đòi hỏi có bản lĩnh, kiến thức và năng lực. Đối với những thông tin có tính chất phức tạp, nóng bỏng trên mạng xã hội người làm báo không được tiếp nhận một cách đơn giản như những thông tin có tính chất giải trí bình thường mà phải có sự thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng.
Xin cảm ơn ông!
"Trên mạng xã hội đa phần thông tin không kiểm chứng, trách nhiệm thông tin không có. Nếu chúng ta không chủ động thông tin lại thì người dân dễ bị những thông tin sai lệch chi phối tư tưởng cũng như dẫn đến nhận thức sai”. Ông Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư |