Dân Việt

“Nhiều dấu hiệu tiêu cực trong vụ tàu 67 gỉ sét, nằm bờ”

Hoàng Thắng 21/06/2017 19:13 GMT+7
“Trong vụ việc này, tôi thấy có nhiều dấu hiệu của tiêu cực. Từ sự “móc ngoặc” giữa doanh nghiệp với người dân để làm giảm sự nghiêm trọng của vấn đề tới việc một số đồng chí có trách nhiệm sợ ảnh hưởng tới mình” - GS.TS Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam nhận định.

img

Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới đưa vào sử dụng đã gỉ sét.

Chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 12 Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VIII diễn ra hôm nay, 21.6 tại Hà Nội, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, việc đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ cho đồng bào miền Trung ra khơi đánh bắt xa bờ là một chủ chương đúng đắn mang rất nhiều ý nghĩa của Đảng, Nhà nước.

Chủ trương này không những giúp ngư dân có được con tàu lớn hơn, to hơn, hiện đại và công năng tốt hơn mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, mà còn để bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền quốc gia trên biển.

Theo GS. TS Trần Ngọc Đường, những doanh nghiệp thực hiện việc đóng thuyền cho người dân, để xảy ra tình trạng tàu bị gỉ sét, hư hỏng, phải nằm bờ là một điều đáng tiếc. Điều này đã dẫn tới việc nhiều ngư dân Bình Định đóng tàu 67 rơi vào cảnh lao đao vì bị ngân hàng giữ sổ đỏ. Thậm chí, có ngư dân đã đòi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương - đơn vị đóng tàu - ra tòa.

“Từ máy móc, phương tiện, cho tới nguyên liệu, kỹ thuật đều có vấn đề. Trong vụ việc này, tôi thấy có nhiều dấu hiệu tiêu cực. Từ sự “móc ngoặc” của doanh nghiệp với người dân để giảm tính chất nghiêm trọng của vấn đề tới việc một số đồng chí có trách nhiệm cũng sợ ảnh hưởng tới mình. Vậy nên tiếng nói của họ trong sự việc này cũng rất “nhẹ nhàng”, không thể hiện tư tưởng coi trọng vấn đề được Đảng, Nhà nước hết mực quan tâm” – ông Đường nói.

img

Ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (Quảng Ngãi) mang 20 kg hồ sơ nhưng vẫn không thể vay được vốn đóng tàu

 Từ đó, ông Đường đề nghị, Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để giám sát vấn đề tàu 67, chỉ ra những thiếu sót, những vấn đề tiêu cực nhằm làm tốt chủ chương của Đảng, Nhà nước. Đây vấn đề này rất nóng, nếu Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam cử đoàn hoặc có phương án giám sát, chỉ đạo cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Bình Định, Phú Yên làm tốt vấn đề này thì sẽ tạo ra ý nghĩa rất lớn.

Đồng tình với quan điểm của GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội nghề cá Việt Nam cùng Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các địa phương tham gia giám sát vấn đề tàu 67.

img

Tàu vỏ thép BĐ-99029 TS của ngư dân Trần Văn Hạo được đưa đi sửa chữa hư hỏng

Trước đó, vào cuối tháng 12.2015, Dân Việt đã nhận được thông tin, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tại nhiều địa phương đã bộc lộ những tồn tại lớn liên quan tới việc vay vốn cũng như trong việc thi công đóng tàu.

Trong đó, nguồn tin từ một kỹ sư đóng tàu tại khu vực phía Nam cho hay có hiện tượng một số cơ sở đóng tàu, dù được cấp phép vẫn trà trộn thép Trung Quốc giá rẻ vào thay cho thép đóng tàu chuyên biệt của Hàn Quốc và Nhật Bản để giảm giá thành, đẩy lãi tăng lên.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, thực hiện loạt bài “Tàu 67 mắc cạn”, nhóm PV đã phát hiện một vấn đề đáng lo ngại: Đó là tình trạng một số cơ sở đóng tàu sử dụng thép giá rẻ Trung Quốc phục vụ xây dựng các công trình nhà ở để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân ra khơi.

Các nhà khoa học, chuyên gia về đóng tàu đã cảnh báo, những tàu này khi được đưa vào sử dụng sẽ bị nước biển ăn mòn, máy móc sẽ nhanh chóng hỏng hóc. Đặc biệt, tính mạng của những ngư dân trên các con tàu vỏ thép đó sẽ ở vào tình trạng nguy hiểm.

Ngoài ra, trong suốt thời gian vừa qua, báo NTNN/Dân Việt cũng liên tục đeo bám những thông tin, diễn biến mới nhất trong vụ việc lình xình liên quan tới chất lượng vỏ thép hàng loạt tàu 67 của ngư dân ở Bình Định.